
Công ty cổ phần Gemmy Wood đầu tư hiện đại hóa công nghệ, tự động hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất
Doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số
Nếu như trong năm 2021, 2022 nhiều doanh nghiệp của tỉnh đang ở bước tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số thì trong năm 2023 số lượng các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số đã tăng lên. Chuyển đổi số đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau, một số doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều.
Ở giai đoạn khởi đầu, doanh nghiệp đã số hóa các dữ liệu của doanh nghiệp, tiếp cận tốt các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp như dịch vụ công trực tuyến, thuế điện tử, hải quan điện tử… Tiếp đó, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiếp cận khách hàng. Ở mức độ cao hơn, các doanh nghiệp đã tìm hiểu về các giải pháp công nghệ thông tin để thay đổi toàn diện tư duy, cách thức làm việc, mô hình hoạt động từ truyền thống sang hiện đại.
Công ty cổ phần Gemmy Wood ở Cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn là doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ ghép thanh với sản lượng chế biến khoảng 10.000m3/năm, trong đó 70% phục vụ xuất khẩu đi các thị trường EU, Mỹ, Canada. Hoạt động chuyển đổi số của Công ty được chú trọng, xưởng sản xuất của Công ty được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại được lập trình điều khiển với tỉ lệ tự động hoá cao, nhất là ở khâu sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Khuê - Giám đốc sản xuất Công ty chia sẻ: “Việc chuyển đổi số đã và đang tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, buộc doanh nghiệp chúng tôi phải nhận biết được cơ hội và thách thức để tồn tại, phát triển. Công ty đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, đưa vào sử dụng công nghệ thông minh trong chế biến gỗ, đảm bảo sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đầu tư máy móc, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua phần mềm hiện đại để tối ưu hóa các chính sách bán hàng phù hợp. Nhờ đó công ty duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn”.

Hệ thống sản xuất hiện đại tại Công ty cổ phần Gốm sứ CTH
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm mà Công ty cổ phần Gốm sứ CTH thực hiện để tạo sự khác biệt, đột phá trong điều hành ở cả 3 lĩnh vực quan trọng là nhân sự, chiến lược và quản trị của doanh nghiệp. Từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến giải quyết các chế độ cho người lao động được công ty số hóa để phân tích làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Chuyển đổi số giúp chúng tôi kiểm soát được tức thời dòng chảy của thông tin, công việc; đo lường được hiệu quả công việc của từng phòng ban và từng cá nhân. Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động, do đó tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí. Công ty tạo nhiều giá trị cho khách hàng khi giúp họ tiết kiệm thời gian cho việc đặt hàng, vận chuyển, phản hồi thông tin, truyền thông chính sách, chương trình bán hàng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe đối với khách hàng quốc tế vì họ rất quan tâm sự chuyên nghiệp, minh bạch của hệ thống quản trị và chế độ chính sách đối với người lao động cũng như định hướng phát triển của Công ty.
Có thể thấy, trong các doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, hầu hết đều nhận định rằng chuyển đổi số đang giúp họ chuyển mình nhanh chóng, tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu ở một bộ phận doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vẫn chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu.
Còn nhiều băn khoăn
Các doanh nghiệp cho biết khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số có rất nhiều vấn đề nan giải, trong đó quan trọng nhất là nhận thức và sự sẵn sàng của chủ doanh nghiệp. Theo ông Đặng Việt Hải - Giám đốc VNPT Phú Thọ: Là một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, qua tiếp xúc làm việc với một số doanh nghiệp, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều đơn vị đang hiểu về chuyển đổi số một cách mơ hồ, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa mấy quan tâm đến việc số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Ngoài ra, cũng có trường hợp một số chủ doanh nghiệp mong muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng đội ngũ nhân sự lại chưa sẵn sàng và “cởi mở” trong việc thay đổi dẫn đến thiếu sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, chi phí dành cho quá trình này cũng là một trở ngại. Bà Vũ Thị Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sáu Long (phường Minh Nông, thành phố Việt Trì) sản xuất hàng may sẵn cho biết: Việc chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số khi hiện nay doanh nghiệp vẫn đang sử dụng một số ứng dụng, phần mềm trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu có từ trước hoặc phải phụ thuộc vào đơn vị cung cấp sản phẩm công nghệ. Ngoài ra, việc thay thế các phương án công nghệ thông tin và bố trí nhân viên tiếp nhận công nghệ mới cũng có thể phát sinh chi phí cao.

Bà Phạm Bích Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Bích Thủy (người ở giữa) tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số do VNPT cung cấp
Cùng quan điểm, bà Phạm Bích Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Bích Thủy (thị xã Phú Thọ) cũng đánh giá quá trình chuyển đổi số là tất yếu nhưng chi phí là một trở ngại. Hiện nay, Công ty cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những giải pháp nào hiệu quả nhất, tiết kiệm và phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời phải tập huấn, đào tạo hoặc phải thay thế nhân sự mới để phù hợp với mô hình chuyển đổi số sắp tới.
Quá trình chuyển đổi số hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nếu doanh nghiệp có quyết tâm cao cùng với việc lựa chọn những phương án chuyển đổi số phù hợp thì doanh nghiệp sẽ tạo được những đột phá quan trọng trong hoạt động. Vì vậy các doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới, thay đổi tư duy, việc chuyển đổi số sẽ được tổ chức một cách có chiến lược, kế hoạch rõ ràng và phù hợp với thực tế của đơn vị.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ thiết thực với hoạt động của doanh nghiệp với các hoạt động, các nội dung sâu hơn, cụ thể hơn để thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.