Trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ đôn đốc các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách cụ thể phục vụ định hướng chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia, trong đó phải có những chính sách thực sự đột phá cho năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.
Là cơ quan được giao chủ trì hướng dẫn kiểm tra giám sát, đôn đốc định kỳ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55), đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Nghị quyết 55 là các định hướng chủ trương chính sách lớn và mang tính đột phá của Đảng, nhà nước Việt Nam về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Trong năm tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết. Nhưng qua giám sát đến thời điểm hiện tại, theo TS Nguyễn Đức Hiển, việc thể chế hóa các chủ trương tại Nghị quyết còn chậm. Sau Nghị quyết 55, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 8 mục tiêu, 10 giải pháp và 39 đề án và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Theo thống kê của Ban Kinh tế Trung ương, trong số 39 Đề án đã được giao cho các Bộ, ngành, tính đến nay mới có 12 Đề án hoàn thành, nhưng hầu hết đều chậm từ 2-3 năm so với kế hoạch. 27 đề án, nhiệm vụ còn lại đều trong tình trạng đang triển khai hoặc chưa được triển khai thực hiện.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero
Cụ thể, về phát triển nguồn năng lượng sơ cấp theo hướng nâng cao năng lực tự chủ, đa dạng hóa đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy, bền vững, Nghị quyết 55 đã đưa ra một loạt nhiệm vụ. Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành 6/7 nhiệm vụ được giao nhưng thời hạn đều chậm. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn chứng, Đề án phát triển năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 có thời hạn trong năm 2020 – 2021 thì đến năm 2023 mới hoàn thành. Quy hoạch Điện VIII có thời hạn năm 2021 thì đến năm 2023 mới hoàn thành. Đề án quy hoạch hạ tầng cung ứng xăng đầu khí đốt cũng vừa hoàn thành. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 2 nhiệm vụ thì mới hoàn thành 1 nhiệm vụ và cũng chậm hơn 1 năm so với yêu cầu.
Trong 9 nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững ngành điện, Bộ Công Thương có 8 nhiệm vụ thì đến nay mới hoàn thành 1 nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, 7 nhiệm vụ còn lại đang tiến hành và đang chậm. Bộ Tài chính thực hiện 1 nhiệm vụ rà soát các chính sách huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện, đến nay chưa triển khai.
Về cơ cấu lại ngành tiêu thụ năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện 1 nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện đang triển khai. Bộ Giao thông vận tải thực hiện 1 nhiệm vụ khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn, chưa triển khai. Về phát triển hạ tầng năng lượng. Bộ Công Thương thực hiện 2 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 1 nhưng đều chậm.
Về cơ cấu lại nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và khuyến khích khu vực tư nhân (cả trong nước và nhà đầu tư nước ngoài), Bộ Công Thương được giao 1 nhiệm vụ trong xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng, đã chậm 3 năm. Ủy ban Quản lý vốn thực hiện 1 nhiệm vụ xây dựng đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp năng lượng, đến nay về cơ bản đã hoàn thành và đang triển khai tại các tập đoàn lớn.
Về phát triển thị trường năng lượng, Bộ Công Thương đã hoàn thành Đề án thị trường năng lượng cạnh tranh, còn 1 nhiệm vụ chưa triển khai. Bộ Tài chính có nhiệm vụ hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích năng lượng tái tạo, đến nay chưa triển khai.
Về khoa học công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ được giao 3 nhiệm vụ, đến nay mới hoàn thành 1 nhiệm vụ về xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cho lĩnh vực năng lượng. Về xây dựng chính sách bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, hiện chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành nhiệm vụ xây dựng lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện đất nước. Bộ TN&MT còn 1 nhiệm vụ, Bộ Công Thương 1 nhiệm vụ, Bộ Giao thông vận tải 1 nhiệm vụ đều chưa hoàn thành.
Đây là những thông tin khái quát ban đầu và TS Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo cuối cùng và sẽ kiến nghị Bộ Chính trị có chỉ đạo tới Đảng, đoàn, Quốc hội, các cơ quan Chính phủ, các Bộ, ngành phải rốt ráo đẩy nhanh xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo còn chậm
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, trong Nghị quyết 55 nhấn mạnh phải có cơ chế khuyến khích đột phá thực sự để phát triển điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi, đồng thời phải có chính sách cho nguồn điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, gần đây chúng ta cứ loay hoay mãi về giá điện. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đánh giá tổng thể năng lượng mới như địa nhiệt, thủy triều, hải lưu... nói chung vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng, chưa có dự án thí điểm triển khai.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa nâng cao được năng lực thích ứng của hệ thống lưới điện truyền tải. Điển hình như các dự án về truyền tải theo yêu cầu của Nghị quyết 55 và trong Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh (trước đây) hầu như triển khai trong mấy năm qua đều rất chậm.
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ. Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Nghị quyết 55 yêu cầu xây dựng cơ chế đặt hàng sản xuất, quy định nội địa hóa để vực dậy doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đến nay như chúng ta đã thấy nhiều chính sách còn chưa được triển khai xây dựng. Luật Đấu thầu đã có quy định rõ ràng, nhưng cơ chế đấu thầu chưa được thể chế hóa. Chúng ta cũng chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án trọng điểm Quốc gia. Ban Kinh tế trung ương sẽ tiếp tục ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong vấn đề này, cũng những đề xuất giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của ngành năng lượng – một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng của đất nước.