Hội thảo đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực đo đạc và bản đồ: Cần tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng
Theo đánh giá của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, hàng năm có khoảng 3000 kỹ sư chuyên ngành đo đạc và bản đồ được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng nhưng trên thực tế ngành vẫn thiếu cán bộ vì khá nhiều sinh viên ra trường làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo hoặc chuyển sang ngành khác. Sở dĩ có tình trạng này vì đặc thù ngành đo đạc và bản đồ là ngành lao động nặng nhọc vất vả và thu nhập lại thấp so với nhiều ngành khác.
Hiện nay, có một thực tế là, ở Trung ương, cán bộ kỹ thuật đo đạc và bản đồ thường được giao nhiệm vụ tương đối phù hợp với chuyên ngành đào tạo, có điều kiện tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Song, tại các địa phương, cán bộ đo đạc và bản đồ thường được bố trí ở vị trí quản lý hoặc sản xuất với nhiều công việc chuyên môn khác nhau. Do vậy, việc sử dụng các kiến thức chuyên ngành về đo đạc và bản đồ không chuyên sâu và không thường xuyên, điều kiện để cập nhật kiến thức mới về công nghệ chuyên ngành đo đạc và bản đồ, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn. Ông Vũ Quý Lân, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết: Cán bộ làm công tác đo đạc và bản đồ có trình độ đào tạo là tiến sỹ, thạc sỹ chiếm tỷ lệ còn khá khiêm tốn. Thế hệ những cán bộ được đào tạo bài bản từ khối các nước XHCN, có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa có nguồn cán bộ mới bổ sung tương xứng. Trong khi đó, tinh thần tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, khả năng thích nghi với áp lực cao và sự thay đổi môi trường công việc của một bộ phận cán bộ kỹ thuật trẻ chưa cao. Đây chính là một trong những lý do khiến chất lượng cán bộ làm công tác đo đạc và bản đồ đang giảm dần.
Nhiều ý kiến tham luận sôi nổi và thiết thực
Là những người tâm huyết với ngành đo đạc và bản đồ, các đại biểu đã mang đến Hội thảo những trăn trở trước thực trạng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành.
PGS.TS. Hà Minh Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ chia sẻ, thực tế hiện nay cho thấy, khối lượng kiến thức khoa học trắc địa – bản đồ ngày càng nhiều. Do đó, việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy và hoàn thiện các giáo trình đào tạo là công việc thường xuyên của các cơ sở đào tạo. Trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước, nhu cầu đào tạo các chuyên gia có kiến thức vững vàng để thực hiện được các nhiệm vụ mới của công tác tài nguyên và môi trường trong giai đoạn phát triển mới, việc đào tạo chuyên sâu về trắc địa và bản đồ là đòi hỏi thực tế khách quan cần quan tâm.
Là trường cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành đo đạc và bản đồ nhưng hiện nay công tác đào tạo của trường hiện còn một số bất cập. Tiến sỹ Dương Vân Phong, Trưởng Bộ môn Trắc địa cao cấp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, cái thiếu của sinh viên trắc địa là kinh nghiệm thực tế và trình độ ngoại ngữ. Để đáp ứng chất lượng đầu ra, tháng 9/2010, trường đã xây dựng chuẩn đầu ra với các tiêu chí chuẩn kiến thức, chuẩn ngoại ngữ, chuẩn luận văn tốt nghiệp và chuẩn về đạo đức, sức khỏe kỹ năng thực hành.
Còn Tiến sỹ Trần Đình Luật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty TN&MT Việt Nam cho biết, hầu hết sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc tại công ty đều phải đào tạo lại trước khi vào sản xuất. Với nhận thức, chỉ có đội ngũ cán bộ có chất lượng cao thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại, Tổng công ty đã xác định đào tạo là đầu tư. Không nằm ngoài thực trạng chung của ngành, cán bộ trẻ của công ty chủ yếu được đào tạo từ trong nước. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ yếu nên khó tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Để có cán bộ đầu đàn, hàng năm Tổng công ty dành một khoản kinh phí cử một số cán bộ hội tụ đủ điều kiện đi học tập ở nước ngoài và trở về đào tạo lại cho những cán bộ khác. Ông Luật cũng đề nghị, hàng năm Nhà nước nên dành một phần kinh phí cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong cơ quan quản lý Nhà nước và một phần cho doanh nghiệp.
Thạc sỹ Phạm Doãn Mậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, để gắn đào tạo với lao động sản xuất, Nhà trường đã cử hàng nghìn lượt giáo viên, học sinh tham gia đo vẽ bản đồ giải thửa, bản đồ địa chính, bản đồ địa hình… ở hầu hết các địa phương trên miền Bắc… Qua đó chất lượng đào tạo đã được nâng cao, xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường với các đơn vị sản xuất và địa phương đồng thời cũng tạo điều kiện giáo viên, học sinh nhanh chóng tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào giảng dạy, nghiên cứu…
Đổi mới công tác đào tạo đảm bảo “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham luận hội thảo. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị, sau Hội thảo này, Cục Đo đạc và Bản đồ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hoàn thiện đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường trong đó đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển lưu ý, khi xây dựng đề án, đối tượng không chỉ trong Bộ TN&MT mà còn cả các cơ quan ngoài Bộ, địa phương, doanh nghiệp ngoài Bộ. Để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, cần đánh giá hiện trạng, từ đó xác định nhu cầu theo cơ cấu cán bộ và có phân loại cụ thể: cán bộ đầu ngành, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học… để có hướng đào tạo trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt, cần chú ý đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước, hiểu biết pháp luật kinh tế và quan tâm hơn tới đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Theo Thứ trưởng, sau khi đánh giá thực trạng cần đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó đặc biệt lưu ý giải pháp về mặt chính sách, phụ cấp khó khăn nhằm thu hút nhân tài phục vụ ngành. Trong đề án cũng cần xác định rõ, tùy từng đối tượng có giải pháp đào tạo cán bộ đặc biệt là cán bộ đầu ngànhđáp ứng yêu cầu phát triển ngành, đội ngũ cán bộ địa phương, cơ sở đáp ứng công tác xã hội hóa đo đạc và bản đồ.
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, đã đưa ra một số yêu cầu đổi mới trong công tác đào tạo và công tác sử dụng phát triển nguồn nhân lực. Đó là, mở rộng quy mô gắn với nâng cao chất lượng đào tạo về đo đạc và bản đồ ở các bậc trình độ theo hình thức đa dạng hóa loại hình đào tạo; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành hoặc cơ quan sử dụng cán bộ để xác định nhu cầu đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành sát với thực tế công tác quản lý, sản xuất; phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành; có chính sách, biện pháp cụ thể trong việc củng cố, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức…
“Đổi mới, tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực đo đạc và bản đồ là yêu cầu có tính bắt buộc hàng đầu, phải thực hiện ngay trong thời gian sớm nhất, ở tất cả các cơ sở đào tạo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực đo đạc và bản đồ”, ông Vũ Quý Lân, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nói.
Tác giả bài viết: Trung tâm Lưu trữ và Thông tin
Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã được tăng cường nhưng vẫn thiếu về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Những người làm công tác đo đạc và bản đồ chủ yếu là cán bộ kỹ thuật nên chất lượng quản lý Nhà nước chưa cao. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải đào tạo.