13/07/2015
Quy định mới về: Hoạt động Ðo đạc và Bản đồ
Ngày 06 tháng 5 năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ; Nghị định này thay thế Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
Theo đó, có 14 hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ phải có giấy phép. Cụ thể: 1- Khảo sát, lập đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc và bản đồ; 2- Kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; 3- Xây dựng lưới trọng lực, thiên văn, tọa độ, độ cao; 4- Chụp ảnh, quét địa hình từ máy bay; 5- Đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình; 6- Đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình đáy biển; 7- Đo vẽ, thành lập bản đồ địa chính; 8- Thành lập bản đồ hành chính; 9- Đo vẽ, thành lập bản đồ địa giới hành chính; 10- Xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; 11- Xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý; 12- Thành lập bản đồ chuyên đề; át-lát địa lý; 13- Khảo sát địa hình; đo đạc công trình; 14- Kiểm định các thiết bị đo đạc.
Nghị định cũng quy định cụ thể 3 điều kiện để tổ chức trong nước được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ và quy định rõ, hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm cung cấp dữ liệu địa lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao dân trí và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Công trình xây dựng đo đạc là tài sản của Nhà nước, phải được sử dụng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Đối với trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghị định quy định rõ: Giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ tại địa phương; thẩm định về sự cần thiết, phạm vi, giải pháp kỹ thuật công nghệ của nội dung đo đạc và bản đồ trong các trương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước do các Sở, ngành của địa phương thực hiện.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Sự - Trưởng phòng QL Đo đạc và Bản đồ