image banner
Sản phẩm đo đạc - bản đồ phục vụ mục đích dân sinh
Trước đây, sản phẩm đo đạc bản đồ chủ yếu được sản xuất theo đặt hàng của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Việc tiếp cận, khai thác chúng phục vụ "dân sinh" luôn bị hạn chế và trên thị trường chúng cũng chưa được coi là hàng hóa đích thực.
Thành tựu phát triển của công nghệ vũ trụ, điện tử tin học, viễn thông và đặc biệt là sự đổi mới nhận thức trong phát triển kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực đo đạc bản đồ, đưa ngành đo đạc bản đồ trở thành ngành sản xuât thông tin cơ bản về trái đất, đáp ứng nhu cầu của quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng và phục vụ rộng rãi nhu cầu "dân sinh" của xã hội. Các sản phẩm đo đạc bản đồ được sử dụng phục vụ dân sinh được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực dẫn đường, y tế, quản lý tài nguyên, môi trường, đất đai, đô thị ... thông qua các phần mềm, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý (GIS) và các thiết bị thu nhận thông tin đầu cuối.
Trên thế giới, việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường; đánh giá hiện trạng chất thải, xác định được những vùng sẽ chịu ảnh hưởng của lũ; ước tính thiệt hại sự phá hủy cơ sở hạ tầng và môi trường, quản lý và cứu nạn phòng chống cháy rừng đều sử dụng công nghệ GIS. Tại Việt Nam, các tỉnh An Giang, Lâm Đồng cũng đã sử dụng hệ thống GIS để kiểm soát các thông tin về phòng chống cháy rừng. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ phục vụ quản lý và chỉ huy điều hành công tác phòng chống cháy, cứu hộ, cứu nạn. Hệ thống này giúp Trung tâm chỉ huy xác định đội chữa cháy gần điểm cháy nhất (hiển thị trên bản đồ); tuyến đường đi ngắn nhất và tối ưu từ đội chữa cháy gần nhất đến địa điểm xảy cháy. GIS đã được ứng dụng khá hiệu quả ở các Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng tại Việt nam. GIS dùng để  thành lập bản đồ phân bố các véc tơ truyền bệnh sốt rét; nghiên cứu các yếu tố môi trường liên quan đến bệnh dịch. Lĩnh vực quản lý đất đai nước ta đã đưa vào ứng dụng phần mềm FAMIS, CADDB và ViLIS... thuộc công nghệ GIS nhằm quản lý bản đồ và hồ sơ địa chính làm cơ sở để giao đất. Các công ty kinh doanh địa ốc đã chuyển lên mạng WEB cơ sở dữ liệu bản đồ với thông tin về vị trí không gian của bất động sản, bản đồ giá cả, bản đồ qui hoạch...giúp khách hàng tra cứu, tác nghiệp kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả. Điều thú vị hơn cả là sản phẩm đo đạc và bản đồ còn được ứng dụng trong phát triển lưới điện, cung cấp nước sạch, khai thác mỏ, hệ thống bưu chính viễn thông, điện lực, các công ty phân phối sản phẩm...
Hiện nay, nhu cầu sản phẩm đo đạc, bản đồ phục vụ  mục đích "dân sinh" tăng lên đáng kể. Những năm vừa qua nhiều công ty thuộc các Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Điện lực, Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, Công ty Viễn thông, Trung tâm Khoa học kỹ thuật - Công nghệ quân sự, Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu... đã được cung cấp sản phẩm đo đạc bản đồ vì mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng không chỉ các công ty thuộc thành phần kinh tế quốc doanh mà những công ty và người tiêu dùng thuộc các thành phần kinh tế khác cũng có nhu cầu được khai thác sản phẩm đo đạc bản đồ. Chỉ tính riêng trong những năm gần đây (2005-2007) số lượng sản phẩm cung cấp cho xã hội bằng cả hàng chục năm trước đây. Có tới hơn 23.000 file số của bản đồ các loại và 50.000 tờ bản đồ địa hình in trên giấy, hơn 40.000 tọa độ, độ cao và ghi chú điểm, 13.000 file phim và ảnh, 8.600 mảnh bản đồ địa chính cơ sở đã được bàn giao cho các tỉnh. Ngoài ra, còn nhiều bản đồ chuyên đề, sách và qui trình qui phạm chuyên ngành khác.
Nhu cầu xã hội ngày một tăng về sản phẩm đo đạc và bản đồ là những thách thức rất lớn, đồng thời là những động lực thúc đẩy sự nghiệp đo đạc bản đồ ngày một phát triển. Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, đang tiến hành hiện đại hóa công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới; mặt khác nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý, lưu trữ thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ để tiến tới xã hội hóa hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm đo đạc bản đồ.

Tác giả bài viết:  Nguyễn Đức Tuệ

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.