29/11/2023
SỞ TÀI NGUYÊN- MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VỚI HUYỆN PHÙ NINH NGHE ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ, KẾT QUẢ ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH, KÊ KHAI, ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI, LẬP HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
(Phù Ninh)-Chiều ngày 24/5/2023, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Phú Thọ đã có buổi làm việc với huyện Phù Ninh về việc đánh giá tiến độ, kết quả đo đạc bản đồ địa chính, kê khai, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện. Đồng chí Phạm Văn Quang – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện một số phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh. Về phía huyện Phù Ninh có đồng chí Nguyễn Hữu Nhật - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí lãnh đạo phòng Tài chính- kế hoạch, Văn phòng HĐND-UBND, Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai và phát triển quỹ đất huyện các đồng chí trong Tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện; Chủ tịch, cán bộ địa chính các xã Liên Hoa, Trạm Thản, Trung Giáp, Trị Quận, Phú Mỹ, Gia Thanh, Bảo Thanh, Tiên Du, Hạ Giáp, Lệ Mỹ và các đơn vị tư vấn

Theo Kế hoạch, từ năm 2021-2025 huyện Phù Ninh sẽ thực hiện đo đạc bản đồ địa chính đối với 13 xã, thị trấn, với tổng diện tích trên 12.005 ha, 110 điểm lưới địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với 17 xã, thị trấn, với tổng số trên 211 nghìn thửa đất. Trong đó năm 2022 huyện Phù Ninh đã phối hợp với Sở TN&MT lập dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với 07 đơn vị là Bình Phú, Tiên Phú, thị trấn Phong Châu, Phú Lộc, Phú Nham, An Đạo và Phù Ninh; năm 2023 huyện đã thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với 03 đơn vị là Bình Phú, Tiên Phú và thị trấn Phong Châu.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhật - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nêu lên những thuận lợi, khó khăn và các vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện như: hồ sơ địa chính được lập từ những năm 90, không chính xác, không đầy đủ, đã thay đổi biến động nhiều, việc thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai còn hạn chế, chưa được thường xuyên. Diện tích đất nông nghiệp manh mún, đã biến động nhiều do chuyển đổi, dồn đổi, hiến đất, chuyển nhượng, tự mua bán không đăng ký với cơ quan nhà nước, ranh giới thực địa không rõ ràng, người dân bỏ hoang, cho người khác sử dụng nên không chỉ được ranh giới… làm cho kết quả đạt thấp, tiến độ chậm so với kế hoạch.

Đồng chí Phạm Văn Quang – TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phạm Văn Quang đề nghị huyện Phù Ninh trong thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương và có ý thức chủ động cung cấp thông tin hồ sơ cho cơ quan nhà nước; các đơn vị tư vấn bố trí cán bộ phối hợp với các xã trong việc hoàn thiện kê khai, đo đạc bản đồ thể hiện đúng tình trạng đất người dân đang sử dụng, các công trình theo mốc giới sử dụng đất; thành lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cấp huyện, cấp xã để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, ban hành văn bản hướng dẫn, báo cáo kết quả thực hiện. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện Phù Ninh hoàn thiện việc lập hồ sơ quản lý đất đai
|