image banner
Ứng dụng viễn thám trong quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng vùng bờ cực Nam
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám phục vụ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang” từ năm 2016 đến 2020. Đề tài đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tài nguyên vùng bờ khu vực Cà Mau - Kiên Giang thông qua việc ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám góp phần quan trọng phục vụ công tác quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ tại địa phương.

 

* Kiên Giang và Cà Mau - Nhiều lợi thế từ biển

Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội đủ các yếu tố để phát triển cả nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là kinh tế biển. Bên cạnh hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng, phong phú, tỉnh Kiên Giang còn có bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km2, đa dạng về chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao; ngoài ra, còn có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo độc đáo, đặc biệt là Phú Quốc - thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam... Đó là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Kiên Giang phát triển kinh tế biển.

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, với chiều dài bờ biển lớn nhất cả nước với 254 km, vị trí 3 mặt giáp biển và là 1 trong 4 ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm, trên biển có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển. Từ tiềm năng và lợi thế sẵn có, Cà Mau định hướng trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, bền vững kinh tế biển của khu vực ĐBSCL. Trong đó, hướng tới các ngành nghề kinh tế biển phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân các huyện, xã, thị trấn ven biển; đặc biệt là các tài nguyên biển, đảo, được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, theo Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển tỉnh Cà Mau và Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020 đã chỉ ra những những vấn đề xung đột, mâu thuẫn và khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên vùng bờ dẫn đến suy thoái về môi trường và mất đi các hệ sinh thái vùng bờ. Điều đó đặt ra trong thời gian tới, Kiên Giang và Cà Mau cần phải có kế hoạch để đảm bảo mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trong đó vùng biển Kiên Giang và Cà Mau cần có được quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Công việc đầu tiên và quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) về tài nguyên vùng bờ trong đó việc ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám là một giải pháp hiệu quả.

 Ảnh viễn thám phục vụ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

* Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên vùng bờ

Để giúp địa phương có thêm cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám phục vụ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang” từ năm 2016 đến 2020. Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đi điều tra chi tiết về hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ tại các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, kết quả điều tra phục vụ để xây dựng CSDL tài nguyên vùng bờ và phân tích và kiểm chứng các kết quả phân tích từ dữ liệu ảnh viễn thám.

Bên cạnh đó, đã sử dụng ảnh Landsat đa thời gian theo các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 và 2019 để nghiên cứu các đối tượng đường bờ, rừng ngập mặn, đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp. Các phương pháp phân loại ảnh được sử dụng để giải đoán các đối tượng trên, độ chính xác phân loại ảnh được đánh giá dựa trên 54 điểm mẫu khảo sát ngoài thực địa và kết quả có độ chính xác tổng là 83,3%.

Các nhà nghiên cứu cũng đã xử lý và phân tích về diễn biến đường bờ, rừng ngập mặn, đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp từ năm 2012 đến 2019 tại khu vực Cà Mau - Kiên Giang thông qua ảnh Landsat. Kết quả đã xác định được một các định lượng theo không gian và thời gian đối với các đối tượng trên cho từng huyện cụ thể. Đối với diễn biến đường bờ được đánh giá theo 3 tiêu chí là: chiều dài biến động, chiều rộng biến động lớn nhất và diện tích biến động. Đối với rừng ngập mặn, diện tích nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp được đánh giá dựa trên diện tích đất giữ nguyên, diện tích đất mất đi và diện tích đất tăng thêm từ đó xác định được diện tích các loại đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 2012 đến năm 2019 của khu vực vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang;

Thông qua thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang tỷ lệ 1:100.000 trên cơ sở các tài liệu, dữ liệu thu thập và kết quả phân tích ảnh Landsat.

Đồng thời áp dụng công nghệ GIS để xây dựng bộ CSDL tài nguyên vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang, bộ CSDL này được xây dựng riêng rẽ cho khu vực vùng bờ Cà Mau và khu vực vùng bờ Kiên Giang để dễ dàng và thuận tiện cho việc chuyển giao công nghệ cho từng tỉnh. Kết quả bộ CSDL được xây dựng cho 5 nhóm dữ liệu chính là: nhóm dữ liệu nền, nhóm dữ liệu điều kiện tự nhiên, nhóm dữ liệu tài nguyên thiên nhiên, nhóm dữ liệu kinh tế xã hội và nhóm dữ liệu môi trường và sự cố thiên tai. Mặc dù đối tượng nghiên cứu của đề tài là các ảnh viễn thám và kết quả phân tích ảnh viễn thám làm đầu vào để xây dựng CSLD, tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhóm tác giả đã nỗ lực thực hiện vượt mức đề ra của đề tài nhằm bổ sung, cập nhật các dữ liệu để đảm bảo có được bộ CSLD tốt nhất theo các nhóm dữ liệu đã chia.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi hoàn thành đã được tiến hành chuyển giao công nghệ cho Chi cục biển và hải đảo tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là bộ CSDL tài nguyên vùng bờ và bản đồ hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang. Kết quả này là cơ sở để địa phương sử dụng trong việc quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ Cà Mau - Kiên Giang.

 

 

 

Tác giả bài viết:  Minh Khang

Nguồn tin:  Theo công thông tin điện từ Bộ TN&MT

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.