image banner
Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về ảnh viễn thám
Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai xây dựng Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Viễn thám quang học đa phổ - Ảnh viễn thám độ phân giải cao và siêu cao.

 

Đây là yêu cầu kỹ thuật quan trọng, khi ban hành sẽ tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ dữ liệu dễ dàng giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân, tăng hiệu quả sử dụng và giá trị sử dụng dữ liệu theo hướng tăng tỷ lệ hài hoà quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của nước ta trong tình hình mới.

* Chưa có các quy định về tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm ảnh viễn thám

Sản phẩm viễn thám đã trở nên phổ biến và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Nhu cầu sản phẩm viễn thám không ngừng gia tăng và ngày càng có xu hướng tích hợp các chủng loại khác nhau, bao gồm cả dữ liệu viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc Trái đất, ảnh hàng không, ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái và các dữ liệu đo đạc, quan trắc trên mặt đất. Nguồn cung cấp dữ liệu viễn thám cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn từ các loại ảnh độ phân giải thấp như MODIS, VIIRS, OceanSat, độ phân giải trung bình như Landsat 8, Sentinel 1,2 đến các loại ảnh độ phân giải cao và siêu cao như LISS-IV, SPOT 6/7, Planet Scope, Pleaides, KompSat, WorldView,... Không chỉ có các dữ liệu ảnh thương mại mà nhiều loại dữ liệu ảnh viễn thám có giá trị như Landsat 8, Sentinel 1-5 còn được cung cấp miễn phí cho người sử dụng. Điều này đã dẫn đến khả năng tiếp cận và sử dụng sản phẩm viễn thám dễ dàng, cho phép tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp hơn.

Cùng với xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám của thế giới trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, các sản phẩm giá trị gia tăng từ tư liệu viễn thám ngày càng đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có độ phân giải cao và thời gian truyền dữ liệu đạt thời gian cận thực. Điều này cho phép công nghệ viễn thám để có thể ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực mà các phương pháp viễn thám truyền thống trước đây còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về độ chính xác thông tin thu nhận, tần suất và trên diện rộng như các vùng sâu, xa, vùng ngoài biên giới, khu vực đặc biệt nguy hiểm, khu vực thiên tai, các tai biến địa chất, giám sát biển, giám sát vi phạm môi trường, các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản,....

Mặc dù được ứng dụng rộng rãi, nhưng hiện nay các đơn vị có hoạt động sản xuất sản phẩm ảnh viễn thám giao nộp về cơ quản quản lý nhà nước về viễn thám gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chất lượng, quy cách cụ thể của sản phẩm như: Chưa có các quy định về tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm ảnh viễn thám hay chưa quy định cụ thể loại ảnh trong nhóm ảnh quang học nhưng có các tính năng, thông số kỹ thuật rất khác biệt nhau. Vì vậy, thực tế yêu cầu đòi hỏi cần phải xây dựng một tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại dữ liệu ảnh phục vụ kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm cũng như thống nhất quy định tiêu chuẩn cho sản phẩm ảnh viễn thám phục vụ mục đích dùng chung cho toàn xã hội.

Cần có tiêu chuẩn kỹ thuật cho ảnh viễn thám

* Xây dựng TCVN về sản phẩm ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao

Xuất phát từ thực tiễn đó, theo ông Trần Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Cục đang triển khai xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Viễn thám quang học đa phổ - Ảnh viễn thám độ phân giải cao và siêu cao. Theo đó, khi hoàn thiện và đưa vào áp dụng, Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ giúp cho việc quản lý, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm của các cơ quan, tổ chức hoạt động viễn thám được thông suốt, hiệu quả, tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ dữ liệu dễ dàng giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân, tăng hiệu quả sử dụng và giá trị sử dụng dữ liệu và theo hướng tăng tỷ lệ hài hoà quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của nước ta trong tình hình mới.

Cùng với đó, tiêu chuẩn là tài liệu kỹ thuật quan trọng đối với việc công bố rộng rãi khả năng ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, đồng thời khẳng định sự phù hợp với công nghệ hiện có.

Đặc biệt, việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn gắn với công nghệ hiện có của ảnh viễn thám là cơ sở tham chiếu chung, nhằm thống nhất yêu cầu kỹ thuật chung cho các sản phẩm ảnh viễn thám 1A, 2A, 3A, 3B phục vụ cho sản xuất, nghiệm thu và giao nộp sản phẩm.

Đồng thời pháp lý hóa những văn bản quy định kỹ thuật đã được ứng dụng và khảo nghiệm qua thực tế sản xuất trong lĩnh vực viễn thám trong thời gian gần đây, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa hệ thống văn bản quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực viễn thám.

 

 

 

Tác giả bài viết:  Thủy Nguyễn

Nguồn tin:  Theo công thông tin điện từ Bộ TN&MT

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.