Công viên năng lượng mặt trời quy mô lớn làm mát vùng đất xung quanh
Các nhà khoa học sử dụng công nghệ vệ tinh đã lần đầu tiên phát hiện ra rằng các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn có tác dụng làm mát vùng đất xung quanh.
Khi ngày càng nhiều quốc gia cam kết đạt được mức phát thải carbon bằng 0, thì sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về tác động của các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn đối với môi trường địa phương. Do đó, điều thực sự quan trọng là phải hiểu các tác động khí hậu vì điều này ảnh hưởng đến các phản ứng sinh thái.
Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Lancaster, Đại học Ludong ở Trung Quốc và Đại học California Davis ở Hoa Kỳ đã tập trung nghiên cứu tại hai trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn nằm ở những địa điểm khô cằn - Công viên năng lượng mặt trời Stateline 300 MW ở California, Hoa Kỳ và Công viên năng lượng mặt trời 850 MW ở Longyangxia, Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu nhiệt độ bề mặt đất chụp từ ảnh vệ tinh Landsat, một phương pháp chưa được áp dụng cho các trang trại năng lượng mặt trời. Điều này cho phép nhóm nghiên cứu so sánh nhiệt độ bề mặt đất xung quanh các trang trại năng lượng mặt trời trước và sau khi được xây dựng. Dữ liệu vệ tinh được bổ sung bằng các phép đo nhiệt độ mặt đất xung quanh trang trại năng lượng mặt trời Stateline.
Họ phát hiện ra rằng các công viên tạo ra “những hòn đảo mát mẻ” kéo dài khoảng 700 mét từ ranh giới của trang trại năng lượng mặt trời. Nhiệt độ của bề mặt đất xung quanh đã giảm tới 2,3 oC cách trang trại 100 mét, với hiệu ứng làm mát giảm theo cấp số nhân đến 700 mét.
Khám phá mới này rất quan trọng vì nó cho thấy công viên năng lượng mặt trời có thể tác động đến các quá trình sinh thái, bao gồm năng suất, sự phân hủy và cuối cùng là sự trung hòa carbon, tại các khu vực xung quanh. Quy mô ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào vị trí và có thể là tích cực, tiêu cực hoặc không quan trọng.
Ví dụ, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt thấp hơn ở trên Cao nguyên Tây Tạng có khả năng làm giảm lượng khí mê-tan thất thoát vào khí quyển. Tuy nhiên, ở sa mạc Mojave, nhiệt độ thấp hơn khiến hạt nảy mầm ít hơn, điều này có nghĩa là ít cây có thể sống sót đến tuổi trưởng thành, làm giảm đa dạng sinh học.
Do đó, những phát hiện mới tạo nên sự cần thiết phải xem xét nhiều hơn về nơi xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời trên khắp thế giới, cũng như thiết kế của chúng, để giảm thiểu bất kỳ tác động tiêu cực nào và gia tăng tác động tích cực.
Tiến sĩ Alona Armstrong, đồng tác giả từ Đại học Lancaster, cho biết: "Hầu hết các nghiên cứu xem xét tác động của việc thay đổi sử dụng đất đối với các công viên năng lượng mặt trời bên trong ranh giới của khu vực. Ở đây, chúng tôi nhận thấy một hiệu ứng nhiệt độ có thể thấy rõ ở khoảng cách 700 mét, cho thấy rằng sự phát triển sinh thái cũng có thể bị ảnh hưởng.
"Điều này nâng cao tầm quan trọng của việc hiểu các tác động của công nghệ năng lượng tái tạo đối với cảnh quan - chúng ta cần đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng không gây ra nhiều thiệt hại đối với hệ sinh thái và lý tưởng là có hậu quả tích cực trên những nơi chúng ta xây dựng chúng."
Mặc dù cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định cơ chế chính xác gây ra hiệu ứng đảo mát và nó có thể thay đổi như thế nào theo vị trí và thiết kế trang trại năng lượng mặt trời, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết đó là do các tấm năng lượng mặt trời che nắng và cách nhiệt bề mặt đất, cũng như năng lượng được chuyển đổi thành điện năng từ các tấm pin mặt trời.
Tác giả bài viết: Độ Trần
Nguồn tin: Theo CTTĐT Bộ TNMT