image banner
Đề xuất giải pháp phục hồi môi trường đất canh tác và chính sách hỗ trợ người dân tại vùng ô nhiễm do bị phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh
Chiều ngày 21/9, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Trung tâm quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường), Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia) tổ chức Hội thảo tổng kết nhiệm vụ: “Đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp phục hồi môi trường đất canh tác và chính sách hỗ trợ người dân tại vùng ô nhiễm dioxin do bị phun rải thuốc diệt cỏ trong chiến tranh” do TS. Lê thị Hải Lê làm chủ nhiệm Đề tài

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm song việc giải quyết hậu quả vẫn là gánh nặng đối với Việt Nam. Mặc dù cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ đã kết thúc đã lâu, nhưng hậu quả để lại từ cuộc chiến này vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng rất nặng nề với diễn biến phức tạp và dai dẳng đối với đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe con người và môi trường tự nhiên ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có uy tín trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh của Mỹ đã khiến cho 3 triệu ha rừng tự nhiên bị hủy hoại, làm mất đi khoảng 90 triệu ha gỗ, đã biến các khu rừng nhiệt đới, rừng nội địa và rừng ngập mặn phong phú về đa dang sinh học bị phá hủy, bao gồm cả hệ thực vật, động vật và thổ nhưỡng. Việc hủy diệt môi trường sinh thái đã tác động trực tiếp đến nguồn sống của người dân Việt Nam, làm cho sức khỏe của hàng triệu người gặp khó khăn.

Nhiều năm qua, đã có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai để đưa ra các giải pháp phục hồi môi trường đất canh tác tại những vùng ô nhiễm bị phun rải chất diệt cỏ ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, khó khăn khách quan nên các kết quả của đề tài còn rất hạn chế, chưa xác định rõ được những giải pháp khả thi phục hồi đất và giúp người dân sản xuất và sinh sống trên những vùng đất ô nhiễm này. Bên cạnh đó, nhiều địa phương người dân thiếu đất canh tác mà vẫn phải giữ lại những khu rừng và đất hoang trốngđể ngăn chặn không cho người qua lại và gia súc chăn thả tự do bởi vì khu vực này đang bị ô nhiễm dioxin do bi phun rải thuốc diệt cỏ trong chiến tranh. Vì vậy, tìm ra những giải pháp cụ thể phục hồi môi trường, biến đất bỏ hoang thành đất có khả năng trồng trọt canh tác, giúp cho người dân đảm bảo đời sống là một nhu cầu thực tế rất cần thiết và là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay.

Xuất phát từ các yếu tố nêu trên, Văn phòng 33 - với vai trò giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin do chiến tranh để lại đã đề xuất lựa chọn đề tài: “Đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp phục hồi môi trường đất canh tác và chính sách hỗ trợ người dân tại vùng ô nhiễm do bị phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh (thời gian 2,5 năm)” tại khu vực các xã ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi việc phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh.

Đề tài nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng ô nhiễm, suy thoái đất nông nghiệp và đời sống của cộng đồng dân cư tại địa bàn được lựa chọn nghiên cứu; Áp dụng giải pháp công nghệ sinh học, xử lý đất, phục hồi môi trường ngay trên khu vực đất canh tác nông nghiệp của địa phương; Đề xuất giải pháp công nghệ vi sinh vật phục hồi môi trường phù hợp đối với đất canh tác nông nghiệp để áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương bị phun rải chất diệt cỏ; Đề xuất chính sách hỗ trợ và cải thiện đời sống đối với người dân sinh sống ở địa bàn thực hiện của đề tài, nhằm giúp cho người dân ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất tại các khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Chiến Thắng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 cho biết, sau nhiều năm chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra đã kết thúc, tuy nhiên hậu quả của cuộc chiến này vẫn còn nặng nề và dai dẳng. Hiện nay rất nhiều địa phương trước đây bị phun rải chất độc hóa học đời sống nhân dân khó khăn, do môi trường ô nhiễm, nhiều vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, thậm chí cỏ dại cũng không thể mọc lên, không canh tác sản xuất được. Trong thời gian qua, đã có nhiều dự án thuộc đề tài “Đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp phục hồi môi trường đất canh tác và chính sách hỗ trợ người dân tại vùng ô nhiễm do bị phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh (thời gian 2,5 năm)”được triển khai tích cực góp phần đề xuất cácgiải pháp cụ thể nhằm phục hồi lại môi trường và đất canh tác nông nghiệp, giúp cho người dân có được thêm đất để tăng gia, sản xuất. Bên cạnh đó, đã có nhiều các hoạt động của dự án hướng dẫn người dân có chế độ canh tác phù hợp để tăng năng suất trồng trọt và sản phẩm sản xuất, dẫn đến tăng nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo và tác động tích cực đến tình hình kinh tế của cả địa phương nói chung và người dân nói riêng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ trong đề tài. Cụ thể là báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng tồn lưu dioxin tại khu vực lân cận và trong sân bay A Sho thuộc huyện A Lưới; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của một số xã thuộc huyện A Lưới; báo cáo kết quả xử lý, cải tạo môi trường đất canh tác tại 1 số điểm ô nhiễm ở sân bay A Sho…

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của đề tài; đồng thời cùng nhau thảo luận để làm rõ một số thắc mắc liên quan tới vấn đề khôi phục đất canh tác sau quá trình xử lý, cải tạo môi trường đất bị ô nhiễm; vấn đề về chính sách hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ô nhiễm do phun rải chất độc hóa học dioxin cũng như việc xác định các đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước...

Nguồn tin:  http://www.monre.gov.vn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.