image banner
Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phải tiên phong đi đầu, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh
PhuthoPortal - Đó là một trong những ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại hội nghị tổng kết hoạt động doanh nghiệp bưu chính, viễn thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra vào ngày 1/12/2022.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Hùng Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Công ty Mobifone khu vực 4, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Hùng Sơn ghi nhận và biểu dương các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Đồng chí khẳng định: Năm 2022, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông có nhiều nỗ lực, đảm bảo hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Đây cũng là năm mà các doanh nghiệp tập trung phát triển hạ tầng số tại khu vực cùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tích cực tham gia xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và cải cách hành chính ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị

Về nhiệm vụ năm 2023, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông cần đảm bảo tuyệt đối an toàn, thông suốt mạng lưới thông tin liên lạc, bưu chính, chuyển phát, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, các sự kiện, hoạt động chính trị, văn hoá - xã hội lớn trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, trọng tâm là đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh và tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng theo yêu cầu của trung ương. Đồng thời rà soát, đầu tư nâng cấp đảm bảo chất lượng phủ sóng thông tin di động khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa; mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm công nghệ 5G; tiếp tục tắt sóng các trạm thông tin di động (BTS) công nghệ 2G, 3G.

Đẩy mạnh sử dụng chung cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng trạm BTS ở khu vực đông dân cư, khu vực tắt sóng 2G, 3G; chỉnh trang, hạ ngầm cáp viễn thông đảm bảo nề nếp, bền vững. Tích cực tham gia xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; góp phần cải thiện, tăng hạng xếp bậc các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS của tỉnh, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quang Thắng điều hành thảo luận tại hội nghị

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số hoạt động thông suốt, sẵn sàng kết nối liên thông, đồng bộ, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, định danh, xác thực điện tử theo yêu cầu của Chính phủ. Tăng cường hợp tác nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động bưu chính.

Bên cạnh đó, tham gia, phối hợp tích cực với các cơ quan nhà nước trong việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là cấp huyện, cấp xã, đảm bảo thực hiện đạt tỷ lệ trên 70% vào năm 2023. Đẩy mạnh thanh toán không sử dụng tiền mặt, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ Mobile Money trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và các dịch vụ thiết yếu của người dân. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản, ví điện tử để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí TTHC; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tại điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đối với các điểm BĐVHX, nhất là tại các điểm thuộc chương trình nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Hồng Thúy trình bày báo cáo tổng kết hoạt động doanh nghiệp bưu chính, viễn thông năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Đồng chí nhấn mạnh: Các doanh nghiệp phải tiên phong đi đầu trong xây dựng và triển khai mô hình điểm về chuyển đổi số; tham gia tích cực vào chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời tổng hợp các ứng dụng, các hệ thống đã có và sắp triển khai, báo cáo với Sở để Sở tham mưu với tỉnh đẩy mạnh việc triển khai trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Thực hiện tổng rà soát và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trả trước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông tin đúng, đủ, chính chủ.

Khẳng định “các doanh nghiệp muốn phát triển thì cần phải đi cùng nhau”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông cần chấp hành nghiêm túc công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông; tăng cường sự hợp tác để tạo sự đột phá hơn nữa, trở thành các doanh nghiệp chủ đạo trong việc dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn.

Lãnh đạo Viễn thông Phú Thọ thảo luận về giải pháp triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số

Năm 2022, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tập trung đảm bảo hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh; 5 nội dung theo Kết luận của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại hội nghị sơ kết hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Việc đầu tư phát triển hạ tầng được các doanh nghiệp bưu chính viễn thông quan tâm thực hiện, đến nay tổng số trạm thu phát sóng BTS là 3.648 trạm, tăng 1,76% so cùng kỳ. Tổng đầu tư viễn thông năm 2022 đạt 82 tỷ đồng; đầu tư cho hạ tầng bưu chính chuyển phát là hơn 6,1 tỷ đồng. Trong năm 2022 đã cải tạo, sửa chữa 28 BĐVHX với tổng kinh phí 6,1 tỷ đồng. Hoàn thành việc xây dựng hạ tầng băng rộng cố định, trạm BTS và phủ sóng tại 14 thôn chưa có sóng thông tin di động theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.

Đại diện Công ty Mobifone khu vực 4 thảo luận về giải pháp phát triển các nền tảng chuyển đổi số

Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng trạm BTS được các doanh nghiệp tăng cường, đến nay tất cả các doanh nghiệp đã sử dụng chung cơ sở hạ tầng theo phương thức cho thuê hoặc trao đổi hạ tầng. Các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với ngành Điện lực thực hiện chỉnh trang cáp treo viễn thông đối với các tuyến chính trong khu vực đô thị, đồng thời tự chỉnh trang một số tuyến cáp của doanh nghiệp tại địa bàn một số xã, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông chụp ảnh cùng lãnh đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn

Bên cạnh các dịch vụ truyền thống, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tích cực tham gia, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích đối với cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Các doanh nghiệp đã tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lý văn bản điều hành; Một cửa điện tử; Hội nghị truyền hình; Camera giám sát; Báo cáo quốc gia; IOC; Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Y tế thông minh, Giáo dục thông minh,...

Tích cực tham gia xây dựng khung chuyển đổi số cụ thể, chi tiết cho doanh nghiệp, đồng thời phát triển thành sản phẩm để hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với đa dạng các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, dược phẩm, logistic, bán lẻ, quản lý khách sạn... Đẩy mạnh triển khai hoạt động của sàn giao dịch theo hướng thương mại điện tử gắn với các sản phẩm OCOP; hướng dẫn người dân và các cơ sở kinh doanh cài đặt ứng dụng Mobile Money, quét mã QR trên điện thoại thông minh để thanh toán các dịch vụ; phối hợp với ngành Giáo dục, Y tế triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế; phối hợp với Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai thanh toán số tại các hợp tác xã điện năng; mở rộng hợp tác thanh toán số với Công ty nước...

Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã thực hiện có trách nhiệm các nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: Cung cấp đường truyền phục vụ hội nghị trực tuyến của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đảm bảo thông tin liên lạc, công tác công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ SEA Games 31, Giải bóng đá U17 châu Á; tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện. Tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội như: Tổ chức khám sàng lọc bệnh lý tim mạch miễn phí, ủng hộ gia đình liệt sĩ, tài trợ internet miễn phí cho ngành Giáo dục,… với tổng số tiền hơn 9,4 tỷ đồng.

https://phutho.gov.vn/sites/default/files/users/user247/image009_13.jpg

Năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 2.765 tỷ đồng, tăng 29,31% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ bưu chính đạt trên 533,9 tỷ đồng, tăng 14,48% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 122,17 tỷ đồng, tăng 16,2% so cùng kỳ. 

Tổng số thuê bao điện thoại đạt 1.287.087 thuê bao. Tổng số thuê bao internet đạt 1.348.542 thuê bao, tăng 6,77% so với cùng kỳ. Tổng số thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền đạt 151.213 thuê bao, tăng 5,35% so với cùng kỳ.

Tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính công ích năm 2022 ước đạt 78.332 hồ sơ, tăng 242% so với năm 2021. Nộp phí, lệ phí bằng chuyển khoản hoặc ví điện tử VNPT Pay khi giải quyết thủ tục hành chính đạt 23.851 giao dịch điện tử, số tiền giao dịch 22,8 tỷ đồng.

 


Tác giả bài viết:  Lệ Thủy

Nguồn tin:  Theo công thông tin điện từ tỉnh Phú Thọ Phú Thọ

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.