02/06/2022
Hội thảo trực tuyến tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động nhân dịp chào mừng 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sáng ngày 31/05/2022, tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo trực tuyến tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đại diện lãnh đạo của 108 đơn vị trực thuộc Bộ, đại diện các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đã tham dự Hội thảo trực tuyến trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Đồng chí Nguyễn Bá Thọ - PGĐ Sở tại điểm cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ
Tham dự Hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Bá Thọ - PGĐ Sở và đại diện các đơn vị chuyên môn trong Sở cùng có mặt tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường cho biết, công tác quản lý hoạt động và kết quả nghiên cứu khoa học ngành tài nguyên và môi trường nói chung và trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số nói riêng là nhân tố thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ (KHCN), sáng tạo, nâng cao trình độ nhân lực đã tăng cường hiệu quả, góp phần đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ đặt ra đối với toàn ngành.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Theo Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường, trong giai đoạn 2011-2021, lĩnh vực công nghệ thông tin đã triển khai tổng số 53 nhiệm vụ KH&CN bao gồm: 5 nhiệm vụ cấp quốc gia; 31 nhiệm vụ cấp Bộ và 17 nhiệm vụ cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu KH&CN đã được đưa vào ứng dụng, sử dụng nhanh, kịp thời, hiệu quả đóng góp vào thành công của triển khai Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường; cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai các đề án, dự án lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Trong đó, về cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, chỉ số cải cách hành chính của Bộ tăng liên tục 10 bậc (từ thứ 16 lên thứ 6 năm 2021), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyển thông tăng 6 bậc (từ 18 lên thứ 12) và Bộ luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trong phát triển Chính phủ điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đơn giản hóa là 214/266 (chiếm 80,1%), ước tính hằng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 33,8 triệu giờ công lao động và khoảng 1.010,2 tỷ đồng một năm.
Hệ thống họp trực tuyến sau khi nghiên cứu, đưa vào triển khai đã mang lại hiệu quả lớn đặc biệt trong đại dịch Covid-19, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức gần 6.630 cuộc họp với sự tham gia của 78.800 điểm với thời gian hơn 10.000 giờ.

Các đại biểu tại Điểm cầu Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ
Tại hội thảo, các đại biểu được xem video clip “ Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2021” do Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường cũng cấp. Ngoài ra, Các đại biểu cũng đã được nghe: Báo cáo “Tích hợp, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ chuyển đổi số ngành TN&MT; kinh nghiệm của Tp. Hồ Chí Minh” do ông Bùi Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm CNTT, sở TN&MT TP.HCM trình bày; Báo cáo “Xu hướng về khoa học dữ liệu và một số đề xuất cho ngành TNMT giai đoạn 2021-2030” của Viện trưởng Viện AI Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Hoài; “Kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong giám sát hệ thống công nghệ thông tin ngành TN&MT” của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT; “Thu nhận, xử lý, trực quan hóa và phân tích dữ liệu quan trắc TN&MT” của giám đốc Khối khách hàng chiến lược Esri Việt Nam; Đại diện Công ty Google Việt Nam - Ông Đặng Thanh Sơn – Giám đốc giải pháp khối Chính phủ đã trình bày giải pháp “ Điện toán đám mây trong công cuộc chuyển đổi số: cơ hội và thách thức”. Ông Đặng Thanh Sơn cho biết 5 tiêu chí dùng Điện toán đám mây đó là:
1, An toàn ổn định: thiết kế bảo mật từ phần cứng, chống chịu tấn công mạng, tự động mã hóa dữ liệu.
2, Tính mở: - Mã nguồn mở
- Hỗ trợ đám mây lai, đa đám mây (Anthos)
- ứng dụng bên thứ ba (Market place)
3, Nền tảng dữ liệu lớn:
- Internet vạn vật
- Kho dữ liệu dạng Serverless (Big Query)
- Phân tích dữ liệu (Looker, Data Studio)
4, Thông minh: hệ thống sẽ tự động xử lý các dữ liệu để các chuyên gia dễ dàng phân tích dữ liệu, giảm thiểu được chi phí.
5, Xanh: sử dụng năng lượng xanh để phát triển bền vững.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã có những trao đổi, thảo luận về định hướng hoạt động KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ngành TN&MT và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Việc nghiên cứu ứng dụng, phát triển, làm chủ và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như điện toán đám mây, IoT, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy, chuỗi khối, thị giác máy tính và các công nghệ thông minh trong quan trắc, điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường; nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho vận hành Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành cho việc ứng dụng AI, Big data vào lĩnh vực TN&MT là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cùng với đó, góp phần quan trọng triển khai ứng dụng CNTT thay đổi phương thức làm việc phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần hiện đại hóa, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến, dần nắm bắt được các công nghệ cốt lõi, áp dụng trong chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về TN&MT, kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tạo tiền đề bước vào kỷ nguyên số, hoạt động dựa trên dữ liệu số, công nghệ số, mô hình số.
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng hoạt động KH&CN về công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Một số hình ảnh về các dự án đã ,đang và sẽ được áp dụng trong quá trình chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường:
 
 
Một số hình ảnh về phần mềm tích hợp, chia sẻ dữ liệu TN&MT của TP.HCM
Tác giả bài viết: Bùi Công Tuấn Vũ - TTPTQĐ
|