08/10/2012
Phân tích và Quan trắc tiếp cận chương trình thử nghiệm thành thạo và các vấn đề liên quan đến thử nghiệm thành thạo ở trong nước và quốc tế.
Theo khái niệm của ISO/IEC 17025 thì thử nghiệm thành thạo là “Việc xác định chất lượng thực hiện công việc hiệu chuẩn hoặc thử nghiệm của phòng thí nghiệm bằng cách so sánh liên phòng”.
Theo khái niệm của đo lường học, thuật ngữ chung và cơ bản của TCVN 6165:1995, so sánh liên phòng thí nghiệm là: “Việc thử nghiệm trên các mẫu đồng nhất và kết quả của các phòng thí nghiệm tham gia so sánh liên phòng với giá trị chung của tập hợp, giá trị chung đó có được từ kết quả của các phòng thí nghiệm tham gia”.
Mục đích của chương trình thử nghiệm thành thạo nhằm để đối chiếu khả năng thực hiện phép thử của các phòng thí nghiệm được công nhận, thông qua kết quả của chương trình thử nghiệm thành thạo, kiểm soát chất lượng, đánh giá bên ngoài giúp cho các phòng thí nghiệm xem xét, cải tiến hệ thống chất lượng, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động đánh giá, công nhận.
Lợi ích mang lại cho phòng thí nghiệm khi tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo đó là: Chứng minh cho khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công nhận về năng lực kỹ thuật phù hợp với ISO/IEC 17025; Là công cụ để đánh giá, cải tiến hoạt động thử nghiệm; Là công cụ để phòng ngừa những điều không phù hợp trong hoạt động thử nghiệm. Phòng thí nghiệm đã chứng minh năng lực cung cấp dữ liệu phân tích chính xác thông qua một số hình thức sau: Chứng minh độ chính xác của dữ liệu thông qua quan sát tại chỗ của người sử dụng; Chứng minh độ tin cậy của dữ liệu thông qua việc tham gia chương trình so sánh liên phòng để so sánh dữ liệu thử nghiệm của mình với các phòng thử nghiệm có năng lực khác.
Trong những năm gần đây, Phòng Phân tích - Quan trắc đã tham gia hai hình thức đánh giá chất lượng kết quả thử nghiệm từ bên ngoài, đó là: Đánh giá bởi một tổ chức độc lập, cơ quan công nhận đánh giá tại chỗ phòng thử nghiệm để đảm bảo các qui định, thủ tục và hoạt động của PTN phù hợp theo các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Đồng thời, thông qua đánh giá kết quả tham gia chương trình so sánh liên phòng giữa các PTN khác nhau do các nhà cung cấp chương trình thử nghiệm thành thạo gửi mẫu tới. Hình thức này được gọi là tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo (TNTT). Tại sao cần chương trình thử nghiệm thành thạo đó là vì: Tham gia vào chương trình TNTT giúp cho các cơ quan công nhận đánh giá năng lực kỹ thuật của PTN để cung cấp các dữ liệu thử nghiệm tin cậy và so sánh được. Chương trình TNTT cũng có thể cung cấp các thông tin sau cho các PTN tham gia: Xác định các vấn đề như hầu hết các PTN được thành lập theo quy định của luật pháp và dẫn đến kết quả thử nghiệm có thể không tin cậy nhưng do luật pháp quy định nên không ai giải quyết những vấn đề khó khăn thường xảy ra của PTN. Tham gia vào các chương trình TNTT sẽ giúp PTN giải quyết được các vấn đề khó khăn trên. Ngoài ra, Đánh giá phương pháp mới nhiều PTN không đánh giá các phương pháp thử mới; giả định rằng PTN sử dụng phương pháp thử tiêu chuẩn quốc tế thì không đánh giá và phê duyệt phương pháp đó; tham gia vào chương trình TNTT có thể giải quyết được vấn đề này. Tạo năng lực thực hiện thử nghiệm hoặc đo lường qua việc so sánh giữa các PTN; Tạo một hệ thống đánh giá khách quan kết quả tham gia của các PTN. Hiện nay, khách hàng sử dụng dịch vụ phân tích đã nhận thức được sự cần thiết của các dữ liệu thử nghiệm chính xác, tin cậy vì nền kinh tế thị trường tự do và phát triển công nghiệp.
Do vậy, chất lượng môi trường sống cũng như các sản phẩm nông nghiệp an toàn tới cuộc sống người dân yêu cầu kết quả thử nghiệm có độ tin cậy; Cần có nhiều chương trình TNTT cho các PTN cả về phân tích định tính và phân tích định lượng, đặc biệt là phân tích định lượng. Chuẩn mực công nhận yêu cầu PTN tham gia chương trình TNTT như là bằng chứng về sự phù hợp năng lực.
Chi phí tham gia vào chương trình TNTT rất cao. Tuy nhiên, PTN của Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ Môi trường vẫn duy trì thường xuyên để tham gia. Kinh nghiệm và thực tế cho thấy rằng: Cần chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về chương trình TNTT với các cơ quan công nhận khác, đặc biệt đối với các nước đang phát triển để đẩy mạnh hệ thống toàn cầu về thỏa ước thừa nhận đa phương. Tuy nhiên, cần có các khóa đào tạo cho nhân viên của các PTN các nước đang phát triển liên quan tới TNTT và những tổ chức cung cấp chương trình TNTT để có thể tiếp cận và có được kinh nghiệm tổ chức và cung cấp các chương trình TNTT. Hoạt động công nhận ngày càng phát triển, do vậy cần có nhiều tổ chức cung cấp mẫu cho chương trình TNTT từ các tổ chức uy tín trợ giúp cho các PTN của Trung tâm Quan trắc và bảo vệ Môi trường nói riêng và các nước đang phát triển nói chung.
Tác giả bài viết: Hà Thị Minh Chúc - Phó Giám đốc TT Quan trắc và Bảo vệ Môi trường
Nguồn tin: Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin