Năm 2023, các hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, hợp tác quốc tế, hoàn thiện chính sách pháp luật được ngành địa chất, khoáng sản chú trọng.
Theo ông Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Bộ TN&MT, Cục đã xây dựng và ký kết Biên bản ghi nhớ với các đối tác KIGAM (Hàn Quốc), FESCO (Nga), Deltare (Hà Lan), METATEK (Anh)....
Các hợp tác nhằm hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đánh giá khoáng sản biển sâu, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản quan trọng, chiến lược phục vụ chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, mô hình dự báo tác động môi trường, sạt lở bờ sông, bờ biển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đã được Cục Địa chất Việt Nam triển khai đạt hiệu quả tốt; trang thông tin điện tử được cập nhật thường xuyên. Cục đã phối hợp chặt chẽ với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường trong việc ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng phần mềm Quản lý nhân sự cho các đơn vị; thực hiện ký số 100% văn bản phát hành (thông thường) của Cục....
Năm 2024, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024, triển khai thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản.
Đồng thời, các đơn vị trong ngành tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về pháp luật, các nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động bảo vệ, khai thác khoáng sản, các hành vi vi phạm pháp luật để góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản…