image banner
Kết quả sau 10 năm thực hiện công tác quản lý Bảo vệ Môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
2013 đánh dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường. Cũng là thời điểm kết thúc công tác quản lý bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2003 – 2013
I. Thành tích nổi bật 10 năm (2003 - 2013) - lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường.
Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập tháng 8 năm 2003, theo đó hình thành Phòng Quản lý Môi trường thuộc Sở có chức năng quản lý nhà nước về môi trường. Tiếp đó, trên cơ sở Nghị định số 81/2007/NĐ- CP, ngày 23/5/2007 của Chính Phủ, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 3903/QĐ-UBND, ngày 22/12/2008 thành lập Chi cục Bảo vệ Môi trường là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.  Sự ra đời của Chi cục Bảo vệ môi trường là một bước quan trọng trong việc nâng cấp lĩnh vực quản lý môi trường của Sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương triển khai làm tốt công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; các chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện góp phần căn bản để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh, cụ thể:
1. Kết quả thực hiện thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT để tăng cường công tác quản lý BVMT trên địa bàn tỉnh: Tham mưu triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực quản lý môi trường đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 32 CT/TU ngày 25/5/2005 về triển khai thực hiện Nghị quyết 41 NQ/TW của Bộ chính trị; Chương trình hành động số: 1751/CTr- UBND, ngày 14/9/2006 về Bảo vệ môi trường giai đoạn 2006- 2010 và Chương trình hành động số 41- CTr/TU ngày 12/11/2009 thực hiện Chỉ thị số: 29- CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình hành động về bảo vệ môi trường giai đoạn 2006- 2010 và định hướng tới năm 2015; Quyết định về quy định kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006- 2010 và định hướng tới năm 2020; Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học của tỉnh; kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2020 và triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ Môi trường 2005, xây dựng Quỹ Bảo vệ Môi trường... Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Công tác thẩm định, tham mưu trình duyệt cấp phép trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường: Với công tác phòng ngừa là chính, việc đánh giá tác động môi trường đã đi vào nề nếp, từ năm 2003 đến nay Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt hơn 205 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư; xác nhận hoàn thành nội dung báo cáo ĐTM và yêu cầu của Quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM cho 46 cơ sở, dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt 43 đề án BVMT, xác nhận 563 bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Cấp mới và điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 233 đơn vị, doanh nghiệp. Thẩm định số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường cho 52 Dự án khai thác khoáng sản với số tiền khoảng 52.107.786.805 đồng. Triển khai thực hiện thu phí nước thải, riêng thu phí nước thải công nghiệp đạt trên 7,305 tỷ đồng.
3. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và phòng chống sự cố môi trường: Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở, sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên trong đó tập trung việc thực hiện xoá bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị và khu vực đông dân cư đảm bảo hoàn thành trước năm 2010 theo quy định của Chính phủ; thực hiện  thanh kiểm tra khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm tại các khu vực trọng điểm ô nhiễm do các cơ sở sản xuất hoá chất, kho thuốc bảo vệ thực vật, lập dự án cải thiện môi trường đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. ?iển hình là việc xử lý ô nhiễm môi trường do kho thuốc trừ sâu cũ tại xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê; dự án cấp nước sạch xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (làng ung thư ) đồng thời yêu cầu công ty cổ phần Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao xử lý ô nhiễm tại nguồn, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi xỉ pyrit; đôn đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cải tạo hồ bùn vôi, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; Công ty TNHH MiWon Việt Nam đổi mới công nghệ, đầu tư hệ thống xử lý khói bụi, nước thải, chất thải; tăng cường giám sát và có biện pháp xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như công ty TNHH Toàn Năng, Nhà máy xi măng Hữu Nghị, Công ty cổ phần Japfa Comfeed Việt Nam; Công ty TNHH Phú Hà... Hàng năm đã tham mưu trình ủy ban nhân dân tỉnh danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên điạ bàn tỉnh. Đến nay đã xác định được 24 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý và đưa 6/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi danh sách Quyết định 64/2003/QĐ-TTg.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về môi trường: Công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT được coi là một giải pháp quan trọng hàng đầu bởi vì muốn làm tốt công tác BVMT trước hết cần nâng cao nhận thức BVMT cho cộng đồng thông qua đó giúp cho nhiều đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, các cơ sở sản xuất và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, địa phương với việc BVMT chung của cộng đồng từ đó tự giác thực hiện tốt hơn trong thực tế. Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tốt với ngành, các cấp tăng cường phổ biến tuyên truyền Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ, Chỉ thị số 32- CT/TU của Tỉnh uỷ và Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đến các tổ chức, địa bàn cơ sở, các tầng lớp nhân dân, đưa Luật Bảo vệ Môi trường vào cuộc sống. Thường xuyên chủ động tiến hành một cách đa dạng hướng dẫn các Sở, ngành, huyện, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông môi trường nhân dịp hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn thông qua các hoạt động tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Hoạt động nâng cao nhận thức môi trường trong giai đoạn 2003-2013 không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt mang tính văn hoá, xã hội và nhân văn, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký 09 Nghị quyết liên tịch về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường với UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; ký Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường với Công an tỉnh. Nhiều mô hình tốt trong lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường đã xuất hiện.
5. Tăng cường nguồn lực quốc tế và tranh thủ nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường: Hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua cũng được phát triển đúng hướng theo quan điểm đổi mới của Đảng về chính sách đối ngoại, góp một phần đáng kể nguồn đầu tư từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường. Dự án nâng phát triển công nghiệp và đô thị Việt Trì do chính phủ Vương quốc Đan mạch tài trợ đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh (từ năm 2001 đến hết năm 2005) với các hợp phần sản xuất sạch hơn và an toàn sức khoẻ trong sản xuất công nghiệp.
Quán triệt quan điểm "đầu tư vào bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển", từ năm 2006 đến nay đã tham mưu cho UBND tỉnh trích ngân sách cho bảo vệ môi trường để đầu tư các  mô hình xử lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư cải tạo các bãi rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Cẩm Khê... hệ thống xử lý chất thải bệnh viện, nước thải sinh hoạt tập trung, lò đốt chất thải bệnh viện..., đầu tư trang thiết bị trạm quan trắc và phân tích môi trường không khí tự động, xây dựng quy hoạch môi trường giúp cho việc thực thi các nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn của tỉnh có nhiều thuận lợi hơn.
Ngoài ra Sở còn chủ trì triển khai xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh, lập dự án xác định mạng lưới điểm quan trắc và thực hiện lấy mẫu phân tích, cảnh báo môi trường hàng năm giai đoạn 2006- 2010 và giai ?o?n 2011 - 2015; Dự án điều tra đánh giá tình hình ô nhiễm tại các vùng nhạy cảm về môi trường trên địa bàn tỉnh; Dự án “Khảo sát, điều tra, thống kê CTR nguy hại, CTR thông thường phục vụ công tác quản lý môi trường và thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”...
  Thực tế công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn t?nh trong th?i gian qua đã có chuyển biến tích cực hiệu quả : Đã cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo, cụ thể hoá được các nội dung nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường ở địa phương thể hiện sự quan tâm và tăng cường  chỉ đạo của chính quyền, trở thành yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên để đưa quản lý bảo vệ môi trường đi vào nề nếp. ở địa phương đã trú trọng thực hiện phương châm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Các nội dung nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường ở địa phương đã có chiều sâu, từ công tác triển khai thực hiện phòng ngừa, bảo vệ, đến việc xử lý khắc phục ô nhiễm. Đã tập trung giải quyết được cơ bản các điểm bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý, tham mưu đề xuất của các cơ quan chuyên môn về môi trường các cấp. Đẩy mạnh sự phối hợp và trách nhiệm các sở ngành, các cấp trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Đã có bước thực hiện việc xã hội hoá về công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả. ở nhiều nơi, cả ở đô thị và vùng nông thôn môi trường đã có sự cải thiện. Môi trường chung trên địa bàn của tỉnh căn bản bền vững đang ngày được bổ sung làm xanh, sạch thêm.
II. Những định hướng lớn trong công tác quản lý bảo vệ môi trường.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới  Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI đề ra đến năm 2020 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, trong đã tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và  người dân trong bảo vệ môi trường:
- Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo  đảm mọi người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và  đầy đủ các quy định của pháp luật, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ  môi trường và có ý thức thực hiện trên thực tế.
- Tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ  sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội  ít chất thải, các-bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường.
2. Thể chế hoá yều cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đồng thời quản lý chặt chẽ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thẩm định hồ sơ các dự án đảm bảo đúng tiến độ.
3. Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế  hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử  lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức cá nhân, kiên quyết xử lý những đối tượng gây ô nhiễm môi trường và buộc phải đầu tư khăc phục ô nhiễm. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp với hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường của lực lượng cảnh sát môi trường.
- Hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường, cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và  ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về môi trường, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của khoa học và  công nghệ trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
- Phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô  nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và  đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và  sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Đẩy nhanh tiến  độ đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ  xây dựng theo hướng ứng dụng công nghệ sản xuất, xây dựng tiêu tốn ít nguyên, nhiên liệu, năng lượng, ít chất thải, các-bon thấp.
5. Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường
- Chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ môi trường. đặc biệt là trong việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Phát huy vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường, củng cố, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tạo cơ chế huy động các nguồn vốn; mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức cá nhân trong bảo vệ môi trường. Từng bước hình thành thị trường vốn cho bảo vệ môi trường, khuyến khích thành lập quỹ tài trợ cho các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng, các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường vì lợi ích chung của xã hội.
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ  môi trường, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường. Có  cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường huy động vốn cho bảo vệ môi trường, nhất là  các nguồn vốn ngoài ngân sách.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm sức khoẻ và cuộc sống của nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách nên cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân trong toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung tham mưu xây dựng các chương trình hành động thật chi tiết, cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường, quyết tâm xây dựng Phú Thọ thành một tỉnh phát triển bền vững, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và có môi trường sống trong lành, tốt đẹp hơn góp phần vào sự phát triển bền vững chung của cả nước.

Nguồn tin:  Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.