Bối cảnh, thực trạng và mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ
Hiện nay, thế giới đã có những bước tiến rất xa về công nghệ thông tin (CNTT). Việc sử dụng công nghệ phục vụ quản lý không đơn thuần là chỉ là lưu trữ và khai thác thông tin, mà đã tiến tới các kỹ thuật cao về xử lý dữ liệu, cung cấp thông tin, dự báo dựa trên mạng internet, công nghệ điện toán đám mây - cloud computing, trí tuệ nhân tạo - AI và công nghệ học máy - machine learning.
Trong những năm gần đây, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng CNTT. CNTT được coi là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; là động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Một trong bốn quan điểm lớn nêu trong Nghị quyết là: “Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt; tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”. Chính phủ đã tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 36.
Một những điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ thông tin đó là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử. Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 được kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Ngoài ra, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, tạo tiền đề về tổ chức thực hiện và môi trường pháp lý trong quá trình hoạt động CNTT.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị; các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT. Các hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành, các hệ thống hỗ trợ giải quyết chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành hỗ trợ rất khả quan cho công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường. Chính vì vậy, năm 2016 Bộ đã triển khai xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng và liên thông hệ thống với Văn phòng Chính phủ. Hiện nay, các đơn vị thuộc Bộ đã và đang xây dựng, đề xuất xây dựng các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước từng lĩnh vực. Ở mức độ phạm vi Bộ, Bộ đã triển khai xây dựng CSDL quốc gia về TNMT giai đoạn 1, hiện nay Bộ đang đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai CSDL quốc gia về TNMT với mức độ hoàn thiện hơn để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với khối cơ quan Bộ TNMT (Nguồn Cục Công nghệ Thông tin- Bộ TN&MT).
Tại tỉnh Phú Thọ, Sở TNMT Phú Thọ cũng đã, đang và sẽ quan tâm đến việc xây dựng CSDL cho các chuyên ngành phục vụ nhu cầu, công tác quản lý nhà nước. Đã từng bước triển khai các cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, nước, khí tượng thủy văn … Tuy nhiên, công tác triển khai CSDL đang ở mức độ theo từng lĩnh vực chuyên ngành, xuất phát từ nhu cầu và phục vụ yêu cầu quản lý của từng chuyên ngành. Việc triển khai một giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện đang từng bước được quan tâm, đầu tư. Nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ về TNMT nói chung, đối với từng các lĩnh vực chuyên ngành (đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, KTTV&BĐKH …) nói riêng dựa trên việc áp dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu một cách toàn diện, có kiến trúc chung cho toàn ngành TNMT và lộ trình triển khai một cách hợp lý, khoa học.
Triển khai các giải pháp công nghệ một cách đồng bộ, tổng thể và có sự liên kết, đối chiếu, so sánh, tương tác, chia sẻ và hỗ trợ thông tin quản lý giữa các lĩnh vực chuyên ngành từ đó tối ưu hóa công tác quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành và mang lại hiệu quả tổng hợp đối với quản lý nhà nước ngành TNMT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng và quốc gia nói chung.
Tác giả bài viết: Hà Thị Minh Chúc - Giám đốc TT Công nghệ Thông tin