image banner
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ thảo luận tại tổ vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều ngày 31/5/2022, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cùng tham gia thảo luận. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận.


Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Về các hành vi bạo lực gia đình, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

Về các điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của một số biện pháp như: Biện pháp tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; việc bổ sung biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng…

Các đại biểu cũng cho rằng, thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tập trung trách nhiệm cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, mà thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng và tham gia tích cực của cơ quan, tổ chức khác trong khi đặc thù của công tác phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương. Do vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.      

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tham gia thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo các đại biểu, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm các nội dung: Xác định cụ thể một hoặc một số hình thức công khai thông tin có tính bắt buộc; quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương. Bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó, trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau…

Các đại biểu cũng tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành,bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân.

Đối với việc tổ chức thanh tra nhân dân và tên gọi Ban Thanh tra nhân dân, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có phương án phù hợp hơn về tên gọi để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước.

Liên quan đến việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị làm rõ lý do không thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước; xem xét, bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tiếp thu ý kiến của Ban Thanh tra nhân dân.

Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mô hình tự quản (như Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ bảo vệ dân phố, Đội dân phòng...) để có định hướng tổ chức, sắp xếp lại một cách hiệu quả hơn.


Nguồn tin:  Theo CTTĐT tỉnh Phú Thọ

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.