UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn 3060/UBND-KT, về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phát triển ngành tài nguyên, môi trường và các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường…
UBND các huyện, thành phố bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất từ ngân sách cấp huyện cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện. Trường hợp nguồn thu từ đất hàng năm thấp, không đủ để bố trí thì đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, Trung ương (nếu có).

Tỉnh Sơn La chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; chỉ đạo rà soát các trường hợp chưa đăng ký đất đai để tiến hành đăng ký theo quy định, làm cơ sở xây dựng dữ liệu thuộc tính trong cơ sở dữ liệu đất đai. Tập trung rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng hồ sơ địa chính, tài liệu, cơ sở dữ liệu theo từng đơn vị hành chính cấp xã để đề xuất báo cáo UBND tỉnh nhu cầu cần triển khai đo đạc, đăng ký cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại địa bàn huyện đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên các khu vực đô thị, các địa bàn có nhiều giao dịch đất đai, đất có giá trị kinh tế - xã hội cao.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh rà soát, hoàn thiện việc đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính làm cơ sở xây dựng dữ liệu không gian địa chính trong cơ sở dữ liệu đất đai. Chỉ đạo đẩy mạnh đăng ký đất đai, đặc biệt là đăng ký lần đầu, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất làm cơ sở xây dựng dữ liệu thuộc tính trong cơ sở dữ liệu đất đai.
Trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng hồ sơ địa chính trên địa bàn các huyện, thành phố, tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể về xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của toàn tỉnh và thời điểm phải hoàn thành cơ sở dữ liệu để vận hành, khai thác.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Sơn La có 57/204 xã thuộc 5/12 huyện, thành phố đã được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, gồm: thành phố, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên. Tổng diện tích đo đạc địa chính chính quy, đáp ứng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai mới chỉ đạt 6,5%; diện tích trích đo các dự án khác (không phải bản đồ địa chính chính quy) đạt 5,6%.
Hiện nay, trên địa bàn các huyện, thành phố đang triển khai các dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và các dự án trích đo địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai do UBND các huyện làm chủ đầu tư, nguồn kinh phí từ tiền sử dụng đất hàng năm.
Song, đa số các dự án này có quy mô, hình thức rời rạc, nhỏ lẻ; một số dự án không gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Nhiều dự án mới chỉ dừng ở đo đạc mà chưa kê khai đăng ký đất đai, chưa đáp ứng theo mục tiêu về cơ sở dữ liệu số, chuyển đổi số và dữ liệu phải được cập nhật vận hành trên hệ thống phần mềm đa mục tiêu, kết nối với các dữ liệu của cơ quan thuế, cổng dịch vụ công quốc gia.

Tổng diện tích đo đạc địa chính chính quy, đáp ứng xây dựng CSDL đất đai tại Sơn La mới chỉ đạt 6,5%.
Về kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đã triển khai xây dựng tại 8/12 huyện, thành phố thuộc dự án VILG và Dự án tổng thể; còn 4/12 huyện chưa được đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sốp Cộp.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Sơn La; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án. Mục tiêu đến năm 2030, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ tin học hiện đại, đảm bảo mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu đất đai từ địa phương đến Trung ương.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các dự án đo đạc địa chính do UBND cấp huyện là cơ quan quyết định đầu tư. Với những dự án triển khai không đảm bảo theo phạm vi, quy mô, quy trình, quy định của Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, đề nghị dừng triển khai, điều chỉnh lại dự án và toàn bộ sản phẩm theo đúng quy định.