image banner
ĐBSCL: Đảm bảo an ninh nguồn nước để phát triển tốt

Xác định an ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, muốn phát triển tốt vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục có sự chung tay, chung sức của các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng. Về vấn đề này, các nhà khoa học cũng có góp ý nâng cao hiệu quả quản lý nước cho ĐBSCL.

 

An ninh nguồn nước ảnh hưởng đến tiến độ phát triển vùng

Ngày 1/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.

Trên cơ sở nêu lên những mặt còn tồn tại, khó khăn, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, Hội đồng Vùng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách cho lĩnh vực nước sạch, nước sinh hoạt phục vụ người dân. Đồng thời, hỗ trợ những khu vực khó khăn, khan hiếm nguồn nước sạch, cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư các hệ thống hồ chứa với quy mô lớn (khoảng 30 ha/hồ) trữ nguồn nước ngọt dự phòng.

Trao đổi một số khó khăn ở tiểu vùng bán đảo Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết vùng bán đảo Cà Mau chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ngày càng nhanh hơn và gặp khó khăn về nguồn nước ngọt. Về giải pháp nước ngọt cho khu vực bán đảo Cà Mau, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống.

Còn tại Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh nêu một số hiệu quả công trình thủy lợi Cái Bé – Cái Lớn với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng trong công tác điều phối nước trữ ngọt, kiểm soát mặn, nhất là việc thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo tinh thần thuận thiên, chủ động, thích ứng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đánh giá, an ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách, cần có giải pháp chủ động thông qua các giải pháp công trình, phi công trình, thích ứng biến đổi khí hậu, khi tình hình hạn hán trong thời gian qua đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tiến độ phát triển của ĐBSCL.

Ảnh: Theo Internet

Cần lời giải cấp thiết cho vấn đề nước ngọt

 “Nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long” cũng là chủ đề hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM và Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM vừa tổ chức. Hội thảo quy tụ sự tham dự của gần 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực.

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học tài nguyên nước tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang vào khoảng 70.168 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại gây ra đối với hoạt động sản xuất, bao gồm cây ăn trái, hoa màu, lúa và thủy sản. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào các năm 2030, 2040 và 2050, với mức thiệt hại dự báo, lần lượt là: 72.385 tỷ đồng; 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.

TS Võ Văn Hải - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho rằng, cần cấp thiết có sự đánh giá và dự báo thiếu nguồn nước ngọt ở ĐBSCL, coi đây là vấn đề tiên quyết, cần được xác định trong quy hoạch xây dựng các công trình thủy lợi, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững cho ĐBSCL.

Theo TS Võ Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính phía Nam (Bộ Tài chính), thông qua các tính toán nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động dân sinh, kinh tế và mô phỏng xâm nhập mặn (kế thừa từ báo cáo tổng hợp Quy hoạch lưu vực ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) hiện nay đã có các dự án để cải thiện khả năng cung ứng nước ngọt cho vùng này. Ngoài ra, còn có các đề xuất dự án nước ngọt cho ĐBSCL, trong đó xây dựng các dự án thành phần cung cấp nước ngọt tại huyện Tam Nông – Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), với dung tích hữu ích khoảng 1,5 tỷ m3 nước (Tràm Chim); hồ chứa nước tại Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có dung tích hữu ích khoảng 1 tỷ m3 nước. Với quy mô của 2 hồ chức năng này, chuyên gia cho rằng, có thể đủ sức để điều nước cho các tỉnh còn lại của ĐBSCL trong mùa khô.

Đề xuất giải pháp để ngăn chặn xâm nhập mặn ở ĐBSCL, theo TSKH Trần Quang Thắng - đại biểu HĐND TPHCM, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, bên cạnh giải pháp đóng nắp cống và đắp đê ở vùng ven, các tỉnh ĐBSCL cần có kế hoạch xây đập ngăn mặn và giữ nước ngọt, hồ điều tiết giữ nước mưa, nước ngọt. Song song đó, cần có giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch và ứng dụng KHCN để thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

K.Linh
Nguồn: Monre.gov.vn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.