* Nhìn lại việc triển khai Luật Tài nguyên nước 2012
Theo Bộ TN&MT, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Trên cơ sở các quy định của Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; các Bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương tích cực triển khai thi hành Luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 67 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó có 13 Nghị định (5 Nghị định sửa đổi, bổ sung), 19 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư. Tại các địa phương, theo số liệu báo cáo 54 tỉnh, đã ban hành 445 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các quy định của Nghị định. Đến nay, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Về công tác quy hoạch, đến nay, đã có 04/15 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp của 03 lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san, Srepok) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 03 quy hoạch (quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; quy hoạch tổng hợp của 02 lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Cửu Long). Tại địa phương, trước khi Luật Quy hoạch ban hành năm 2018, cả nước đã có 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quy hoạch tài nguyên nước. Sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, các địa phương đã và đang xây dựng, lồng ghép nội dung về tài nguyên nước trong quy hoạch tỉnh theo quy định.
Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước được triển khai thường xuyên trong các năm qua và ngày càng được tăng cường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung thanh tra, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm đối với các nội dung sau: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại một số đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn và phục vụ cấp nước đô thị; Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tài nguyên nước, việc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; Kiểm tra việc thực hiện các Kết luận thanh tra, kiểm tra; Kiểm tra đột xuất đối với các vấn đề nóng bỏng, mang tính cấp thiết.
Tại địa phương, các tỉnh cũng đã đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước có liên quan theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước các cấp và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Qua các đợt kiểm tra, thanh tra, Bộ cũng phát hiện một số vấn đề bất cập trong quản lý, phối hợp vận hành, điều tiết nước các hồ chứa, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải để kịp thời có những đề xuất kiến nghị biện pháp khắc phục, điều chỉnh, bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước.
Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có quy định về quản lý chưa chặt chẽ, chế tài thiếu tính răn đe. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước và các luật khác có liên quan; phân tích bối cảnh, yêu cầu quản lý và bảo vệ tài nguyên nước trong thời gian tới và cho thấy cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định về an ninh, kiểm soát nguồn nước
* Bổ sung nhiều quy định về an ninh, kiểm soát nguồn nước
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ, trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó Luật Tài nguyên nước dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo các chính sách lớn cần sửa đổi trong Luật đã được Chính phủ thông qua, việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước là vấn đề hết sức cấp bách. Lấy tài nguyên nước là cốt lõi để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Để đảm bảo khắc phục được những sơ hở, bất cập, tồn tại, hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số biện pháp, quy định cụ thể trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Cụ thể, hoàn thiện, tổ chức thực hiện có hiệu quả, hiệu lực hệ thống quy định của pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước. Quản lý đồng bộ thống nhất tài nguyên nước giữa các ngành, các mục đích sử dụng nước.
Các Bộ, ngành quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước lớn phải có biện pháp, lộ trình thay thế, sửa chữa, nâng cấp các công trình khai thác, sử dụng nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, tránh thất thoát, lãng phí nước.
Tính đúng, tính đủ giá trị của nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí nước và tránh thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời là động lực phát triển, kêu gọi các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.
Bổ sung các quy định liên quan đến An ninh nguồn nước. Quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, đặc biệt là đảm bảo an ninh nước cho sinh hoạt, hướng đến chỉ số bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, nâng cao khả năng tiếp cận số lượng, chất lượng nước để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt.