image banner
Quản lý an toàn hồ đập trên các sông liên quốc gia
Phòng chống các thiên tai do nước gây ra; quản lý an toàn hồ đập trên các sông liên quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là những mục tiêu, nhiệm vụ được tỉnh Quảng Ninh xác định trong Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Đề án vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

 

Nhiều mục tiêu quan trọng

Mục tiêu của Đề án nhằm chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu nước của tỉnh trên cơ sở cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các huyện, vùng, miền, lưu vực sông.

Giai đoạn tới, Quảng Ninh sẽ điều chỉnh, bổ sung hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh; từng bước thay thế nguồn nước thô ổn định cấp cho sinh hoạt từ hệ thống hồ chứa, đập dâng, công trình thủy lợi; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tạo nguồn tại chỗ để phục vụ cấp nước sinh hoạt trong trường hợp sự cố về nguồn nước, xảy ra thiên tai (hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ ngập lụt, úng).

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa nước tại các vùng thiếu nước và các đảo dân sinh, hệ thống chuyến nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

Phấn đấu tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị sẽ đạt trên 98%. Định mức cấp nước sạch đối với đô thị loại I là 180 lít/người/ngày đêm; đô thị loại II, III là 160 lít/người/ngày đêm; đô thị loại IV, V là 130 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, trong đó 80% sử dụng nước sạch, định mức cấp nước là 80 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước khu công nghiệp tập trung đạt 100% diện tích sử dụng đất khu công nghiệp với định mức cấp nước là 45 m3/ha/ngày đêm.

Đảm bảo cấp nước chủ động cho 85% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, 90% diện tích cây trồng cạn. Cung cấp đủ nước cho chăn nuôi, định mức cấp nước: Trâu bò là 65 lít/ngày đêm/con; lợn, dê là 25 lít/ngày đêm/con; gia cầm là l,51ít/ngày đêm/con. Đồng thời cấp nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Định mức cấp nước cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Quảng Ninh là: 10.000m3/ha/năm; nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là: 14.000m3/ha/năm.

Hồ Khe Chè thường xuyên được tu bổ đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân thị xã Đông Triều (Ảnh: Phạm Hoạch)

Các nhiệm vụ ưu tiên

Hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi là một trong những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Theo đó, tỉnh tiến tới hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; hệ thống giám sát vận hành, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập. Tỉnh tuyệt đối không giao cho tổ chức, cá nhân không có đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

Những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên các sông liên quốc gia giữa việt Nam và Trung Quốc. Phối hợp với các địa phương biên giới của Trung Quốc thực hiện Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp kết cấu hạ tầng hồ, đập và hạ tầng cấp nước đô thị, nông thôn. Trước mắt, từ nay đến năm 2025 đầu tư xây dựng mới 3 hồ chứa nước; giai đoạn 2026-2030 đầu tư xây dựng mới 16 hồ chứa nước và 4 đập dâng nước, 1 nhà máy nước sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ (tại khu vực Cẩm Phả), 1 công trình chuyển nước sạch từ Cửa Ông sang Vân Đồn.

Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn, mặn, sử dụng ít nước cho những vùng khan hiếm nước. Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất theo tần suất thiết kế, đáp ứng được yêu cầu chống chịu mưa, lũ lớn, dài ngày kết hợp với các giải pháp khác nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai bất lợi do nước gây ra.

Quảng Ninh số lượng sông lớn không nhiều; hầu hết các sông lớn đều bắt nguồn từ ngoài tỉnh; các sông, suối đều có đặc điểm ngắn, dốc, diện tích lưu vực không lớn, lưu lượng nước có sự khác biệt lớn giữa các mùa thường hay có lũ bất thường. Trữ lượng nước mặt vào khoảng 8.146 triệu m3/năm, trữ lượng nước dưới đất khoảng 617 triệu m3/năm. Hiện nay, tổng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hằng năm của tỉnh khoảng 431,28 triệu m3/năm.           

 

 

 

 

Tác giả bài viết:  Bùi Thọ

Nguồn tin:  Theo công thông tin điện từ Bộ TN&MT

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.