Cô và trò Trường Mầm non Thọ Sơn, thành phố Việt Trì tham quan vườn hoa Công viên Văn Lang
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí lành mạnh, được đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, hằng năm vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em tử vong do tai nạn, đuối nước.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có khoảng 25 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (trong đó chủ yếu bị xâm hại tình dục), trên 700 trẻ bị tai nạn thương tích (có trên 20 trẻ tử vong, chủ yếu trẻ tử vong do đuối nước gây ra). Trong đó, nhiều vụ án đau lòng xảy ra đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận như vụ bố đẻ hiếp dâm con gái ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông xảy ra vào năm 2019, dẫn đến cháu bé sinh năm 2004 khi đó mới đang học lớp 8 mang thai. Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, người bố đã bị cơ quan công an tạm giam để điều tra kịp thời và xử lý nghiêm minh, còn cháu gái đã được các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Hay vụ hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS huyện Thanh Sơn có hành vi dâm ô nhiều học sinh nam xảy ra vào cuối năm 2018, bị tuyên phạt 8 năm tù. Điều đó phần nào cho thấy, công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần.
Giờ học ngoại khóa của các em Trường Mầm non Thọ Sơn, thành phố Việt Trì
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết: Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột bỏ rơi, bỏ mặc... đều là những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016. Bởi vậy, trước thực tế vẫn còn những hành vi gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em đã khiến cho trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, tháng 2/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025”. Kế hoạch phấn đấu mục tiêu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em, Luật Trẻ em được tăng cường và đẩy mạnh ở các cấp, các ngành, ở cơ sở và được lồng ghép với nhiều nội dung khác nhau. Trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em, kỹ năng chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục… cho các cấp lãnh đạo, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác trẻ em từ khu dân cư, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em và cộng đồng dân cư.
Tập huấn kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích năm 2022 cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Phương Viên, huyện Hạ Hòa
Các ngành cũng đã tích cực trong việc lồng ghép công tác tuyên truyền vào nhiệm vụ của ngành. Ngành Giáo dục tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch của đơn vị; trong các môn học chính khóa như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn..., trong các giờ chào cờ, ngoại khóa, giờ sinh hoạt lớp. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực chủ động tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ, qua việc ký kết hương ước ở khu dân cư. Tỉnh đoàn Thanh niên tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trại hè, diễn đàn trẻ em, tổ chức các trò chơi dân gian, tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước…
Ngoài ra, hằng năm tại các địa phương trên toàn tỉnh, cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cha mẹ, người chăm sóc, người nuôi dưỡng trẻ đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em; kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ trước các nguy cơ bạo hành, bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích.
Sở LĐ,TB&XH đã lập đường dây hỗ trợ trẻ em và kết nối với tổng đài Quốc gia 111 hướng dẫn, hỗ trợ, can thiệp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, trẻ em gặp các vấn đề về tâm lý trên địa bàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2021, Phú Thọ có hơn 400.000 trẻ em (chiếm 26,7% dân số của tỉnh). Có 4.899 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,2% số trẻ em): Trong đó có 3.925 trẻ em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 80,12%); 58 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 1.960 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức đạt 100%.
Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng các địa phương đã góp phần thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh: Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, trẻ 5 tuổi được chăm sóc giáo dục tại các Cơ sở giáo dục mầm non đạt 98,6%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 99,1%, trung học cơ sở đạt 98,2%; 100% trẻ em có có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc; 100% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt tiêu chuẩn.
Ông Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Thời gian tới, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của tỉnh tiếp tục đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quan tâm nhiều hơn nữa đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em. Thu hút sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Phấn đấu đến năm 2025 có 65% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 75%. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 6,5% vào năm 2025 và 6,0% vào năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đạt vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.