Đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 6033/UBND-NCKS về việc đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thực hiện Văn bản số 9548/VPCP-NC ngày 28/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc vụ cháy nhà dân tại phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu mức thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung trọng tâm.
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị:
Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác PCCC&CNCH; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp về đảm bảo an toàn PCCC&CNCH; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn PCCC tại cơ quan, đơn vị, địa phương được giao phụ trách, quản lý.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”. Khi xảy ra cháy, nổ phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra công tác thường trực của lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở và các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức trên địa bàn tăng cường công tác PCCC, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, quản lý sử dụng pháo, an toàn sử dụng điện… phòng ngừa từ xa không để xảy ra cháy, nổ lớn, không để xảy ra cháy do đốt pháo trái phép trong dịp Tết.
Yêu cầu các cơ sở, cụm dân cư tăng cường lực lượng bảo vệ, tuần tra canh gác đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô, dịp lễ, hội và Tết Nguyên đán 2022. Các địa phương tổ chức các lễ hội đầu năm phải tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn PCCC tại chỗ như: Tuyên truyền, khuyến cáo các nội quy PCCC; tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện và huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng tại chỗ; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, đặc biệt các phương án chữa cháy tại các bãi đỗ xe; cứu nạn, cứu hộ nơi tập trung đông người…
Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về PCCC, thường xuyên tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn PCCC mùa hanh khô, dịp lễ hội và Tết Nguyên đán năm 2022 gắn với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2. Công an tỉnh:
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền hướng dẫn người dân trong việc sử dụng gas, điện, hoá chất, sắp xếp, lưu trữ hàng hoá, trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn; tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy tại các loại hình nhà để ở, kết hợp sản xuất kinh doanh, các cơ sở tại các Khu công nghiệp, siêu thị, chợ trung tâm thương mại, khu di tích văn hoá, chung cư, nhà cao tầng... kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay các sơ hở thiếu sót dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo quy định.
Chỉ đạo nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ theo quy định của pháp luật; rút kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, những vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản do thiếu trách nhiệm và những trường hợp vi phạm khác có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chủ động rà soát, xây dựng bổ sung, điều chỉnh các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở thuộc diện quản lý; đặc biệt các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở trọng điểm, cơ sở nguy hiểm cháy, nổ cao, có sự phối hợp huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; bảo đảm sẵn sàng cứu chữa kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra.
3. Sở Công Thương:
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng điện, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn về PCCC từ hệ thống lưới điện, thiết bị điện. Phối hợp với lực lượng Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC đối với cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng điện và các chất, hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý và kịp thời xử lý các vụ việc liên quan khi xảy ra cháy.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Phối hợp với Công an tỉnh tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các biện pháp thoát nạn, cứu người.
Khuyến cáo về việc thực hiện công tác PCCC và CNCH tại những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như: Các cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, khu dân cư, khu chung cư… để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện.
Tập trung cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy nổ tại các cơ sở, nhà dân trong mùa hanh khô và Tết Nguyên đán năm 2022; công khai các hành vi vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của chủ cơ sở, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa chung.
Tác giả bài viết: Bùi Công Tuấn Vũ - TTPTQĐ