
Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận tại Tổ
Năm 2021, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất, lao động đứt gãy. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống dịch, tăng cường tiêm chủng vắc xin, góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế.
Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành với báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Quan tâm đến nguồn chi cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ hằng năm đều không đạt dự toán Quốc hội giao, đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết nguyên nhân không đạt là do việc phân bổ dự toán đối với 2 lĩnh vực trên nên Chính phủ cần xem xét việc phân bổ dự toán để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các địa phương, đảm bảo tỷ lệ mà Quốc hội quy định. Đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu đồng tình với nhiều ý kiến về việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm, hiện Chính phủ mới phân bổ được một phần, vì vậy Chính phủ cần quân tâm thực hiện trong thời gian tới.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tham gia thảo luận tại Tổ
Về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu khẳng định, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống tín dụng. Nhiều ý kiến đề nghị nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023, vì việc dừng áp dụng Nghị quyết này trong khi chưa luật hóa sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô.
Về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, việc tiết kiệm là giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Đối với những lĩnh vực có định mức, tiêu chuẩn, chế độ được hình thành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn nhưng vẫn đạt được mục tiêu; trường hợp thực hiện đúng mục đích, tiêu chuẩn nhưng đạt được kết quả cao hơn mục tiêu cũng được coi là tiết kiệm.