image banner
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình nhà ở, chung cư cũ và công trình xây dựng trên địa bàn mùa mưa bão 2022.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; các đơn vị viễn thông; chủ đầu tư các công trình xây dựng; chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng các công trình trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn phòng chống thiên tai Tăng cường và chủ động tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai ở địa phương theo 04 tài liệu hướng dẫn đã được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng gồm: hướng dẫn nhà an toàn phòng, chống bão lũ; hướng dẫn phân loại nhà an toàn; khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; quy trình kiểm định và quy trình bảo trì công trình tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình; và các biện pháp phòng chống thiên tai tại trang thông tin của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng
2.1. Đối với công trình nhà ở, chung cư cũ, công trình công cộng khác có dạng nhà Yêu cầu chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng, người dân thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân. Trong đó lưu ý: Đối với Chung cư A1, A2, A3, A6 đồi A phường Thọ Sơn; B7, B9 phường Thanh Miếu; Khu nhà tập thể công nhân Cảng Việt Trì, phường Bến Gót; Nhà ở công nhân Công ty cổ phần Hóa Chất Việt Trì; khu chung cư Hòa Phong, phường Gia Cẩm; khu nhà tập thể Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao,... Các khu nhà chung cư, nhà tập thể này đa số được xây dựng từ những năm 1970 trở về trước và đã xuống cấp, tiền ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó Khu Nhà ở công nhân Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì; Khu tập thể công nhân Cảng Việt Trì; Nhà C, D, H thuộc khu tập thể Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã được đánh giá thuộc diện phải tổ chức tháo dỡ, di dời. Chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng các khu nhà nêu trên nghiêm túc thực hiện rà soát các yếu tố đảm bảo an toàn, tổ chức khắc phục, gia cường, gia cố các cấu kiện, vị trí bị xung yếu hoặc cải tạo, xây dựng lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 79/UBND-KTN ngày 09/01/2020 và Văn bản số 2565/UBND-KTN ngày 16/6/2020 về triển khai thực hiện một số nội dung theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu không thực hiện, để xảy ra tai nạn hoặc sập đổ công trình.
2.2. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật - Rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập, úng khi mưa lũ. Kiểm tra kế hoạch duy tu, bảo trì và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa, bão và có các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. - Kiểm tra các biện pháp đảm bảo đảm an toàn cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị (hào kỹ thuật, tuynel, trạm biến áp, cột điện…). Có giải pháp khắc phục sự cố khi xảy ra mưa bão. - Kiểm tra công tác quản lý đảm bảo lưu thông dòng chảy tại các khu vực miền núi. Đặc biệt là việc triển khai và kiểm soát thoát nước tại các lưu vực sông. - Kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; bảo đảm an toàn điện, cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.
2.3. Đối với công trình công nghiệp Ban Quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ, UBND các huyện, thành, thị đôn đốc các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình công nghiệp trong phạm vi quản lý của mình lập phương án và kế hoạch cụ thể công tác phòng chống lụt bão của đơn vị mình, kiểm tra rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình; tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn (đặc biệt hệ thống mái tôn, vách tôn, trần nhựa, cửa kính, thiết bị); tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không đảm bảo an toàn khi có mưa bão.
2.4. Đối với các đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng - Xây dựng phương án giằng néo kèo cột, che chắn và chống tốc mái cho nhà xưởng, nhà làm việc, nhà ở cho công nhân nội trú, kho tàng, đặc biệt là các kho chứa thành phẩm, bán thành phẩm; khơi thông cống rãnh thoát nước nội bộ tránh xảy ra ngập cục bộ; duy trì sự làm việc bình thường của các máy phát điện dự phòng để chủ động cung cấp điện cho các lò nung sấy hoạt động. - Lập phương án và chủ động sửa chữa, gia cố kịp thời trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, nhà ở không đảm bảo an toàn sau mưa bão nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cán bộ công nhân viên trong đơn vị. - Thường xuyên kiểm tra các điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn theo đúng thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt. Kiểm tra, rà soát hiện trạng mức độ an toàn tại các khu vực khai thác,...; không để sập, sạt, trượt,…thực hiện các giải pháp để đưa về trạng thái an toàn theo quy định; đánh giá mức độ an toàn của công trình,…; rà soát, bổ sung hồ sơ thiết kế, khả năng chịu tải của kết cấu; xử lý khắc phục ngay các hiện tượng lún, nứt, thấm, sạt lở (nếu có). - Khai thác theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế mỏ, ranh giới, diện tích, độ sâu cho phép. - Rào, chắn xung quanh khu vực đã tác động khai thác, cắm biển báo nguy hiểm, bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra không để người dân, gia súc vào khu vực mỏ. Thường xuyên kiểm soát khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực khác có liên quan, trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, sạt, trượt, lở đất, đá… phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định. - Có các biện pháp phòng, chống các sự cố, chủ động về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tham gia ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai có thể xảy ra (nhất là vào mùa mưa, lũ). Bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác mỏ; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố mất an toàn gây ảnh hưởng đến tính mạng con người và tài sản.
2.5. Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình - Thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa khắc phục các tồn tại (nếu có); lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình sớm phát hiện các nguy cơ, làm tốt công tác bảo trì năm 2022 và các năm tiếp theo; kiểm tra, đánh giá và có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết. - Trường hợp đơn vị thuê lại hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức khác để thực hiện việc lắp đặt thiết bị thu phát sóng thì phải yêu cầu đơn vị cho thuê cung cấp toàn bộ hồ sơ thiết kế của công trình, kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, kết quả kiểm định chất lượng và công tác khắc phục các tồn tại (nếu có) sau khi thực hiện kiểm định.
3. Đối với công trình sẽ hoặc đang thi công xây dựng Yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức lập, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng, dàn giáo và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.
4. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ban Quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ Trong phạm vi quản lý của mình tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đạp trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ du.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các chủ đầu tư công trình xây dựng Tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các biện pháp phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý. Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, chuẩn bị phương tiện, nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra. Cảnh báo và chủ động có kế hoạch di dời nhân dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện./

Tác giả bài viết:  Độ Trần

Nguồn tin:  Theo UBND tỉnh Phú Thọ

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.